Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Muốn đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, phải nâng công suất truyền tải

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hệ thống lưu trữ năng lượng đóng vai trò quan trọng. Thời điểm pin lưu trữ năng lượng mới thực sự cần thiết và hiệu quả về chi phí là sau năm 2030.

Đây là nội dung chính được đưa ra trong Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 công bố sáng 2/6. Báo cáo này là sản phẩm của sự hợp tác giữa Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) cùng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Việt Nam.

Muốn đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, phải nâng công suất truyền tải - Ảnh 1Dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị của T&T Group đã khởi công

Củng cố công suất truyền tải

Theo Giám đốc Trung tâm Hợp tác toàn cầu (Cục Năng lượng Đan Mạch) Ulric Everbusch, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, hệ thống lưu trữ năng lượng sẽ đóng vai trò quan trọng. Nhưng chỉ sau năm 2030, pin lưu trữ năng lượng mới thực sự cần thiết và hiệu quả về chi phí. Pin lưu trữ hiện nay vẫn có chi phí đắt đỏ và chưa cần thiết tại Việt Nam trong giai đoạn ngắn hạn, do các nhà máy thủy điện và nhiệt điện đang vận hành có thể cung cấp dịch vụ cân bằng cho hệ thống điện.

Trong 10 năm tới, việc củng cố công suất truyền tải thực sự cấp thiết, đặc biệt là nhằm kết nối các nguồn năng lượng tái tạo tốt nhất ở miền Nam với nhu cầu điện ở miền Bắc. “Phân tích cho thấy, chi phí truyền tải thực tế không quá tốn kém. Vì vậy, việc tăng cường công suất truyền tải trước sau cũng là việc cần phải làm, do giải pháp này có công nghệ đã chín muồi nên cần được lựa chọn đầu tiên. Hệ thống pin lưu trữ năng lượng có thể chờ sau” - ông Ulric EverBusch nói.

Các chuyên gia Đan mạch chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên
Các chuyên gia Đan mạch chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Báo cáo nhận định, Việt Nam hoàn toàn khả thi để có được một hệ thống năng lượng có mức phát thải ròng bằng 0, với chi phí tăng thêm chỉ 10% so với kịch bản cơ sở nếu thực hiện đúng cách; cần hành động sớm để mức phát thải đạt đỉnh không muộn hơn năm 2035 nhằm tránh chi phí quá cao.

Để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 với chi phí thấp nhất, nguồn điện từ năng lượng tái tạo cần phải là nguồn thay thế chính cho nhiên liệu hóa thạch, một cách trực tiếp, hoặc gián tiếp thông qua sản xuất nhiên liệu điện phân. Hệ thống điện cần đáp ứng 70% nhu cầu năng lượng vào năm 2050. Các nguồn năng lượng tái tạo chính là điện mặt trời (75%) và điện gió (21%).

Trong quá trình chuyển đổi xanh, hệ thống điện sẽ cần rất nhiều vốn với mức đầu tư hàng năm, có thể lên đến 167 tỷ USD vào năm 2050 trong kịch bản phát thải ròng bằng 0, tương đương với 11% GDP dự kiến năm 2050. Chi phí hệ thống điện sẽ dịch chuyển theo hướng giảm chi phí nhiên liệu và tăng chi phí đầu tư. Chi phí đầu tư xây dựng cơ bản chiếm khoảng 50% tổng chi phí hệ thống điện vào năm 2030 trong tất cả kịch bản, và sẽ tăng lên đến 90% tổng chi phí hệ thống điện trong kịch bản phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do đó, việc tiếp cận được với các giải pháp tài chính có chi phí thấp là tối cần thiết.

Tuy nhiên, sau giai đoạn đầu tư này, Việt Nam không phải phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu phát điện. Mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu của Việt Nam dự kiến tăng cao trong thập kỷ tới. Dự kiến đến 2050, tỷ trọng nhiên liệu nhập khẩu có thể lên đến 70% tổng cung năng lượng trong kịch bản cơ sở, tương đương với chi phí 53 tỷ USD. Giảm nhập khẩu nhiên liệu hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 đồng nghĩa với việc hệ thống năng lượng sẽ giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến động giá nhiên liệu.

Phân tích cho thấy, khi giá LNG tăng 20% sẽ dẫn đến giảm 50% nhu cầu LNG của ngành điện. Nhu cầu sử dụng LNG thậm chí còn thấp hơn mức này nếu giá LNG tăng cao hơn nữa.

Các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ tại lễ công bố. Ảnh: Hoàng Anh
Các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ tại lễ công bố. Ảnh: Hoàng Anh

Bên cạnh đó, Việt Nam cần ngừng quy hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới, cải tạo các nhà máy đang vận hành để tăng mức độ linh hoạt và hỗ trợ tích hợp hiệu quả hơn các nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, cần hạn chế xây mới các nhà máy nhiệt điện khí và LNG, do công suất 25 GW theo quy hoạch hiện tại đã là quá đủ để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chuyên gia của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch Loui Algren cho biết, Việt Nam cần sớm hành động chuyển đổi nhiên liệu và điện khí hóa lĩnh vực giao thông vận tải. Điều này sẽ mang lại lợi ích kép bao gồm giảm ô nhiễm không khí và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu. Điện khí hóa trực tiếp đóng vai trò chủ chốt với khoảng 80% nhu cầu vận tải hành khách, 50% nhu cầu vận tải hàng hóa cần được điện khí hóa vào năm 2050. Việt Nam cần bắt đầu loại bỏ các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2025, chuyển dần sang các phương thức vận tải công cộng, đồng thời chuyển sang vận tải hàng hóa bằng đường sắt chạy điện.

Phù hợp với định hướng

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại lễ công bố. Ảnh: Hoàng Anh
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại lễ công bố. Ảnh: Hoàng Anh

Chia sẻ tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhận định, báo cáo trên được xây dựng với nguồn số liệu có chất lượng tốt, sử dụng các mô hình cấp cao để tính toán những kịch bản phát triển điện nói riêng và năng lượng nói chung; cung cấp thông tin hữu ích về phát triển hệ thống điện và năng lượng trong ngắn hạn và dài hạn, phù hợp với định hướng của Chính phủ Việt Nam về phát triển năng lượng bền vững gắn liền với mục tiêu bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng.

Một thành phần quan trọng khác trong cơ cấu năng lượng tương lai ở Việt Nam là điện gió ngoài khơi. Với Quy hoạch điện VIII, Việt Nam được dự báo sẽ bắt đầu ngành công nghiệp mới - ngành điện gió ngoài khơi. Công nghệ này được các chuyên gia đánh giá khác biệt hoàn toàn so với điện gió gần bờ hiện có, cả về quy mô công suất lẫn công nghệ.

Các chuyên gia từ Đan Mạch cho hay, nhờ tua bin gió có kích thước lớn hơn và hiệu suất cao hơn, vốn và chi phí vận hành thấp hơn, cũng như các tiến bộ công nghệ khác, giá thành điện gió ngoài khơi đã giảm trên toàn cầu. Đây là yếu tố và động lực hết sức quan trọng cho sự phát triển nhanh chóng và rộng rãi của loại hình công nghệ này.

Cố vấn trưởng Cục Năng lượng Đan Mạch Erik Kjaer thông tin, Đan Mạch là quốc gia tiên phong và dẫn đầu thế giới về năng lượng gió ngoài khơi kể từ năm 1991, khi Đan Mạch đưa vào vận hành trang trại điện gió ngoài khơi đầu tiên trên thế giới. Ngày nay, Đan Mạch cũng đi đầu trong việc giảm chi phí điện gió ngoài khơi. Gói thầu dự án điện gió ngoài khơi 1.000MW hoàn thành vào cuối năm 2021 ở Đan Mạch đã thiết lập kỷ lục mới về giá và cho thấy khả năng cạnh tranh của công nghệ điện gió ngoài khơi khi có các điều kiện pháp lý thuận lợi.

"Chúng tôi có kỳ vọng lớn với lĩnh vực hợp tác này với Việt Nam. Tuy nhiên, cần phải thảo luận và đưa ra những cơ chế, chính sách rõ ràng, dài hạn hơn cho loại hình năng lượng này, để các nhà đầu tư có định hướng của mình” - ông Erik Kjaer nói. Bên cạnh đó, cũng cần lựa chọn các nhà đầu tư một cách minh bạch, cạnh tranh, bởi mỗi dự án điện gió ngoài khơi lên tới vài GW, số vốn là rất lớn. Nguồn vốn đầu tư từ quốc tế không phải là vấn đề song cần đảm bảo niềm tin nhà đầu tư, sẵn sàng tham gia.