|
TS Vũ Thái Hà - Trưởng Khoa Tế bào gốc, BV Da liễu T.Ư bị mạo danh trên facebook. |
Lợi dụng danh nghĩa bệnh viện, bác sĩ
Mới đây nhất, Phòng Công tác xã hội (BV Bạch Mai) nhận được điện thoại của bạn đọc để xác minh thông tin Khoa Tiêu hóa của BV đang có chương trình hỗ trợ 3.000 hộp trà thảo dược cho các bệnh nhân dạ dày. Tuy nhiên, qua trao đổi với TS Vũ Trường Khanh - Trưởng Khoa Tiêu hóa, TS Khanh khẳng định, Khoa Tiêu hóa không sử dụng fanpage và cũng không triển khai hoạt động này. “Đây là dấu hiệu lợi dụng hình ảnh, thông tin của đơn vị để lừa đảo người dân. Chúng tôi đề nghị các lực lượng chức năng vào cuộc làm rõ để người dân không phải chịu cảnh tiền mất tật mang” - TS Nguyễn Hữu Khanh nói.
Nhiều trang facebook và web lấy những hình ảnh của các bác sĩ, trong đó có tôi để quảng cáo cho dịch vụ của họ. Thực tế, tôi chỉ làm việc tại BV Da Liễu T.Ư, Bộ môn Da liễu, Đại học Y Hà Nội và Phòng khám Da liễu Thái Hà. Tôi không đứng tên bảo trợ cho bất kỳ một sản phẩm nào, vì vậy, mọi người hãy hết sức thận trọng, và có thể hỏi các bác sĩ chuyên khoa về tác dụng thực sự trước khi sử dụng sản phẩm chức năng hay làm đẹp. TS Vũ Thái Hà - Trưởng khoa Tế bào gốc, BV Da liễu T.Ư |
Ngoài ra, BV Việt Đức cũng phát đi khuyến cáo người dân đề phòng những thông tin giả mạo. Theo đó, trên nhiều trang thông tin điện tử đã xuất hiện các cơ sở, phòng khám có thông tin giả mạo, tự mang danh BV Việt Đức và các khoa, phòng, viện, trung tâm của BV để thu hút người bệnh. Để tránh những rủi ro đáng tiếc, BV Việt Đức khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ thông tin và cảnh giác với những thông tin giả mạo.
Trước đó, lãnh đạo BV Da liễu T.Ư, Viện Dinh dưỡng quốc gia, BV T.Ư Quân đội 108, BV Bưu điện... cũng đã cảnh báo tới người dân cần cẩn trọng trước các thông tin mạo danh các đơn vị này quảng cáo tư vấn làm đẹp, bán thực phẩm chức năng, bán thuốc, khám chữa bệnh trên mạng để tránh bị lừa đảo.
Nhiều bác sĩ có tên tuổi như GS.TS Trần Thiết Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, BV Đa khoa Xanh Pôn; TS Vũ Thái Hà - Trưởng khoa Tế bào gốc, BV Da liễu T.Ư; bác sỹ Nguyễn Thị Nhã - Phụ trách Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BV Bưu điện Hà Nội... cũng từng bị lợi dụng để tư vấn làm đẹp, bán thuốc, sản phẩm chức năng, hỗ trợ sinh sản trên facebook...
Thận trọng với quảng cáo trên facebook
Có thể nói, tình trạng giả danh bác sĩ, dược sĩ để tư vấn bán hàng qua điện thoại với những thông tin không đúng sự thật về các mặt hàng thực phẩm chức năng đang khá phổ biến. Cách thức của các cơ sở này là trực tiếp gọi điện, xưng là cán bộ, dược sĩ của các đơn vị họ mạo danh để tư vấn bán thuốc, thực phẩm chức năng khiến khách hàng tin dùng. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân vừa đi khám về, một vài ngày sau, liền bị đối tượng xưng là ở cơ sở bệnh nhân vừa khám gọi tư vấn nên mua các thuốc A, thực phẩm B về dùng và cam kết khỏi bệnh trong vòng 10 ngày, 1 tháng, kể cả bệnh nhân mắc bệnh nan y.
Trên facebook, hàng triệu sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng được giới thiệu, quảng cáo bằng những lời "có cánh" đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe cho người tiêu dùng. Đề cập đến tình trạng mạo danh hiện nay, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cho biết: “Chúng tôi ngày nào cũng phải vào kiểm tra, phát hiện rất nhiều quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng nhưng lại khẳng định “trị bệnh”, “dùng một liều là khỏi”… Những quảng cáo này là lừa dối người tiêu dùng. Đây là nỗi bức xúc không chỉ của cơ quan quản lý mà của rất nhiều người tiêu dùng. Chính người thân của tôi cũng từng bị những quảng cáo “nổ” công dụng này thu hút, đã mua và sử dụng thay cho thuốc chữa bệnh” – ông Phong nói.
|
Khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai bị mạo danh kêu gọi bệnh nhân mua sản phẩm trà thảo dược. |
Thời gian qua, Cục ATTP đã xử phạt hàng loạt cơ sở, cá nhân sử dụng hình ảnh của nhân viên y tế để quảng cáo, thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh. Thậm chí, có những đơn vị vi phạm quảng cáo đã bị xử phạt với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng. Ông Phong cho rằng, việc các DN sử dụng, lợi dụng danh nghĩa, biểu tượng, hình ảnh, địa vị, uy tín, thư tín của tổ chức y tế, cán bộ y tế để quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng là hành vi bị nghiêm cấm. Lãnh đạo Cục ATTP đã làm việc với Facebook Việt Nam để siết chặt quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội này. Về phía người tiêu dùng, ông Phong khuyến cáo, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng chỉ mang tính hỗ trợ. Vì thế, tất cả những quảng cáo về công dụng thần kỳ, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều là những quảng cáo lừa đảo, vi phạm quy định.
Tôi thường xuyên bị mạo danh trên facebook, nhiều cơ sở ngang nhiên sử dụng hình ảnh, tên tuổi của tôi để quảng cáo, có lúc họ khoác cho bác sĩ Nhã danh hiệu bác sĩ Đông y, lúc lại là bác sĩ sản khoa, rồi bán cả thuốc chữa rụng tóc... Điều này ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân tôi và uy tín của BV. Nguy hại hơn, có những người dân cả tin nghe theo những lời quảng cáo đó, khiến họ rơi vào cảnh tiền mất, tật mang. Vì vậy, trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm hay dịch vụ nào, người dân, bệnh nhân cần tìm hiểu kỹ, tốt nhất, không tin theo quảng cáo trên mạng xã hội, mà sử dụng thuốc hay thực phẩm chức năng cần có sự tư vấn của bác sĩ. Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã - Phụ trách Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện Hà Nội |
Thông tin về việc thanh, kiểm tra, xử lý sai phạm thuộc lĩnh vực quản lý, ông Nguyễn Văn Nhiên - Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, các bác sĩ không được phép bán, quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng trên mạng xã hội. Do đó, tất cả đối tượng xưng danh là bác sĩ để bán thuốc trên mạng xã hội đều là giả mạo. Ngành Y tế đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm, có dấu hiệu lừa đảo người dân.
Có dẹp được loạn?
Trong năm 2018, Cục ATTP đã xử phạt hơn 6 tỷ đồng về các hành vi vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng. Trong 9 tháng đầu năm 2019, số tiền xử phạt là 3,1 tỷ đồng. Nhưng thực trạng vi phạm quảng cáo trên mạng xã hội vẫn rất phức tạp, nhức nhối. Điều khó xử lý là nhiều trường hợp cơ quan chức năng phát hiện vi phạm, mời DN đến để lập biên bản, nhưng họ phủ nhận không phải do họ thực hiện. Theo các DN, có thể do cá nhân hoặc đại lý đứng ra quảng cáo, mà đại lý thì không chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.
Vì vậy, Cục ATTP phải gửi báo cáo đề nghị Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ TT&TT yêu cầu xử lý các quảng cáo này. Nhiều DN sau khi có sự phối hợp của Bộ TT&TT đã buộc phải tháo gỡ và bị xử phạt theo quy định. “Tuy nhiên, cũng có những website máy chủ đặt ở nước ngoài, hay trên facebook, chúng tôi đã có buổi làm việc với đại diện facebook cùng với Bộ TT&TT. Hiện tại, phía facebook đã cam kết phối hợp với các cơ quan chức năng Việt Nam để tháo gỡ và đóng các website, tài khoản vi phạm. Bộ Y tế cũng thiết lập đường dây nóng với cơ quan quản lý của facebook tại Việt Nam để xử lý nhanh nhất những kiến nghị về vi phạm quảng cáo trên mạng xã hội. Bộ Y tế rất quyết liệt nhưng chúng tôi cần sự phối hợp của các bộ, ngành, cần sự hợp tác của facebook trong quản lý lĩnh vực này” - ông Phong nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bất cứ sản phẩm, nội dung nào facebook cho rằng phù hợp với chính sách của công ty sẽ được chạy quảng cáo mà không hề có bước thẩm định sâu. Điều này đang gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, đặc biệt quảng cáo sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng liên quan đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng. Facebook không kiểm duyệt được hồ sơ, giấy tờ pháp lý chứng minh nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm, đây chính là kẽ hở khiến nhiều quảng cáo độc hại, lừa đảo nở rộ trên facebook suốt thời gian qua mà chưa thể ngăn chặn.
Hãy lên tiếng! Các sản phẩm, dịch vụ như khám chữa bệnh, thuốc, thực phẩm chức năng, trang thiết bị, hóa chất và chế phẩm sử dụng trong lĩnh vực y tế, mỹ phẩm... thuộc nhóm quảng cáo có điều kiện phải qua kiểm định nội dung mới được đưa ra quảng cáo, tránh đưa thông tin quá mức về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên riêng trên facebook và nhiều trang mạng xã hội hiện nay, vi phạm tràn lan, đây là một kẽ hở của luật pháp. Chúng tôi đề nghị Bộ TT&TT, Bộ VHTT&DL cùng phối hợp với Bộ Y tế đưa ra các biện pháp hữu hiệu để kiểm soát chặt nội dung quảng cáo trên facebook, mạng xã hội.Theo quy định hiện hành về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế, nghiêm cấm hình thức sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của nhân viên và đơn vị y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo sản phẩm. Khi phát hiện bị kẻ khác mạo danh, để tránh thiệt hại cho người khác và chính bản thân mình, người dùng cần gửi thông tin tới nhà cung cấp để họ khóa các tài khoản giả mạo. Đồng thời, cần thông báo ngay cho người thân, bạn bè biết để tránh thiệt hại. Khi có hậu quả xảy ra, người bị giả mạo nên nhanh chóng thông báo với cơ quan chức năng (Cơ quan Công an, Thanh tra Sở TT&TT) để can thiệp và xử lý người thực hiện hành vi mạo danh trên mạng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật. Đối với người tiêu dùng, cần hết thức thận trọng khi mua sản phẩm liên quan đến sức khỏe trên mạng xã hội. Nếu là thuốc hay thực phẩm chức năng, nên có sự tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng. Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế |
Có thể xử lý hình sự Pháp luật nghiêm cấm hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác. Việc mạo danh người khác để quảng cáo trên facebook là vi phạm Luật Công nghệ thông tin. Theo đó, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Nếu tổ chức vi phạm cũng tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, đình chỉ hoạt động, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính, hành vi giả mạo facebook, giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác có thể bị phạt từ tại khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 28/2017 (quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo) quy định phạt tiền 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý. Ngoài ra, nếu những đối tượng quảng cáo có hành vi quảng cáo lừa dối gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng hoặc quảng cáo sai sự thật thì sẽ bị xử phạt 50 - 70 triệu đồng. Luật sư Nguyễn Thủy - Đoàn Luật sư TP Hà Nội Nhật Nguyên ghi |