Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Muôn vẻ tranh chép

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thời điểm giáp Tết, các phố bán tranh cũng tấp nập không kém các chợ đào, quất. Xu hướng trang trí nhà cửa bằng tranh vẽ ngày càng được người Hà Nội ưa chuộng, nhất là khi Tết đến.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện mua được tranh của các danh họa, nên tranh chép vẫn là sự lựa chọn của số đông.
 
Tranh gì cũng chép

Dạo qua một số khu phố chuyên bán tranh như Nguyễn Thái Học, Hàng Bè, Tràng Tiền, Mã Mây… trong mấy ngày cận Tết, thấy không khí nhộn nhịp không khác gì chợ Xuân.

Chị Lê Kiều Anh, chủ gallery trên đường Nguyễn Thái Học cho biết: "Mỗi ngày cửa hàng tôi bán được khoảng 60 bức tranh, chủ yếu là tranh chép. Mỗi bức có giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài chục triệu đồng, còn tranh thật trị giá cả triệu đô".

Thị trường tranh chép không giới hạn đề tài, thể loại. Tranh ấn tượng, hình ảnh chiến tranh, bìa băng đĩa nhạc, ảnh các ca sĩ nổi tiếng, đều được "sơn dầu hóa". Chất liệu, màu khá tốt, thậm chí nhiều người bán hàng còn quả quyết: "Hàng chục năm tranh chép chưa xuống màu".
 
Muôn vẻ tranh chép - Ảnh 1
 
Bức tranh “Thiếu nữ bên hoa huệ” của họa sĩ Tô Ngọc Vân là một trong những bức tranh bị sao chép nhiều nhất.
 

Với mảng  đề tài về Việt Nam, người ta thấy tranh sinh hoạt làng quê, tranh thiếu nữ, chân dung người già, cảnh chợ búa, cảnh đạp xích lô, những mảng tường đầy chữ nghĩa, dòng người hối hả… Cả tranh phố Phái, tranh của Dương Bích Liên và nhiều danh họa Việt Nam khác đều được chép và bày bán… Tranh nước ngoài thì hầu như không thiếu tác phẩm của các doanh họa vĩ đại như: Pablo Picasso, Gustav Klimt, Claude Monet, Andy Warhol…

 Có thể nói, dịp Tết Nguyên đán là mùa vàng của người bán tranh. Ông Đỗ Văn Thông, chủ gallery ở Hàng Bè cho hay: "Năm nào cũng vậy, trước Tết khoảng hai tháng, các cửa hàng đều phải đi gom tranh từ các họa sĩ. Nếu cửa hàng nào có xưởng thì thuê thêm thợ chép để chuẩn bị hàng bán Tết.

Hiện nay, chép tranh cũng được coi là một nghề nên nguồn hàng rất dồi dào. Nhưng khách mua tranh ngày càng sành, nên chúng tôi phải liên tục tìm kiếm những mẫu tranh mới". Việc kinh doanh tranh chép dường như cũng đi vào lối mòn.

Bức nào bán được, lập tức các cửa hàng khác cũng sao chép ra hàng loạt, bày bán tràn lan. Thế nên, những bức tranh được sao chép nhiều sẽ "tự động" giảm giá. "Cách đây dăm năm, một bức tranh chép tác phẩm của danh họa Van Gogh khổ 60x80cm giá 1,5 triệu đồng, hiện nay chỉ 500.000 đồng. Giá cả mọi thứ đều tăng, riêng tranh chép giá giảm chỉ còn bằng 30% so với 5 năm trước" - ông Thông cho biết.

Nỗi buồn người cầm cọ

Những người thợ chép tranh chia sẻ, họ biết ơn những danh họa đi trước đã để lại gia sản đồ sộ. Còn với các họa sĩ sáng tác nghệ thuật đích thực thì chép tranh là việc nhàm chán. Nhưng để lấy ngắn nuôi dài, lo toan cuộc sống cơm áo, họ buộc phải làm công việc đó.

Họa sĩ Lê Vinh chia sẻ: "Trong văn hóa nghệ thuật, cái mà người ta kiêng kị nhất là sự bắt chước. Nhưng vì cuộc sống tôi bắt buộc phải làm. Hiện nay, tranh của các họa sĩ Việt Nam chủ yếu bán ra nước ngoài, cho các nhà sưu tập, họa hoằn lắm mới bán được trong nước. Ngay cả thời điểm bán được nhiều tranh nhất là Tết Nguyên đán cũng vậy".

Chẳng những thế, người họa sĩ còn bị chủ các gallery ép giá. Nhiều bức tranh, "thương lái" chỉ mua của họa sĩ vài chục ngàn đồng, nhưng bán với giá vài trăm ngàn, thậm chí hàng triệu đồng.Họa sĩ Hoàng Hà vẫn nhớ như in cảm giác ngày đầu cầm cọ chép thuê: "Bức tranh đầu tiên tôi chép lại, cảm giác như dốc toàn bộ sức lực vào trong đó. Người ta nói, thực học có tâm vì lẽ đó, mình cảm giác phải chịu trách nhiệm với tác phẩm tạo ra dù nó chỉ là sự dập khuôn, sao chép. Nhưng rồi, thấy chẳng ai ghi nhận công sức ấy, các ông chủ trả thù lao như mớ rau, người mua cũng không quan tâm mấy đến nó, cho nên dần dần cái tâm cũng "nhạt" dần.

Bây giờ chép chủ yếu bằng thói quen, ít độ sâu hơn vì thiếu cảm xúc". Còn họa sĩ Thanh Bình chán nản: "Nhiều lúc nghĩ thấy cực lắm, muốn bỏ để được sáng tác, để được là chính mình nhưng rồi lại thấy được cầm bút vẽ vẫn là một niềm hạnh phúc. Dù khi chép tranh mình phải theo hơi hướng của người khác, cảm giác bị lai tạp một cái gì đó, nhưng nếu chuyên chú vào nó, bức tranh của mình cũng có cái riêng".

Vẫn biết chép tranh là phạm luật, nhưng hiện nay, việc quản lý hoạt động này vẫn còn bị bỏ ngỏ nên tranh chép cứ thản nhiên tung hoành, mặc cho giới cầm cọ lao đao chạy theo nghề. Thị hiếu công chúng đã ngả về phía tranh vẽ, ấy là điều mừng cho mỹ thuật Việt. Chỉ có điều, lại chưa có "đất" cho họa sĩ dụng công làm ra những tác phẩm thật.