Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ - Ấn - Nhật tập trận chung: Liên kết tay ba

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân chung hàng năm kéo dài 8 ngày mang tên gọi Malabar.

Từ năm 1992, Mỹ và Ấn Độ đã tiến hành cuộc tập trận chung này và kể từ khi có sự tham gia của Nhật Bản năm 2015, Malabar trở thành không chỉ là cuộc tập trận chung của 3 nước mà còn là bằng chứng về mức độ phát triển quan hệ hợp tác chính trị, quân sự, quốc phòng và an ninh giữa 3 nước này.
Mỹ - Ấn - Nhật tập trận chung: Liên kết tay ba - Ảnh 1
Điều đặc biệt ở Malabar năm nay so với những năm trước là thời điểm và nơi diễn ra cuộc tập trận. Năm nay, nó được tiến hành khi tình hình chính trị an ninh ở khu vực trở nên sôi động, căng thẳng và phức tạp hơn trước, phần vì Triều Tiên tiếp tục chương trình hạt nhân và tên lửa, nhưng chủ yếu và trước hết bởi Trung Quốc đẩy mạnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Nhật Bản ở trên biển Hoa Đông và với một số nước khác ở khu vực Biển Đông. Vừa mới đây thôi, Trung Quốc đã cho máy bay chiến đấu ép sát máy bay trinh sát của Mỹ ở khu vực Biển Đông và đưa tàu chiến của hải quân Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển ở xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật Bản hiện đang quản lý nhưng bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền. Malabar năm nay được Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ tiến hành không phải ở Ấn Độ Dương như những năm trước mà ở ngay gần khu vực quần đảo Sankaku/Điếu Ngư nói trên.

Thông điệp mà ba nước này muốn phát đi với Malabar năm nay rõ ràng nhằm vào Trung Quốc. Họ muốn thể hiện cho Trung Quốc thấy ba nước này không liên minh nhưng liên kết quân sự, quốc phòng và an ninh, ủng hộ lẫn nhau trong mục tiêu đối phó với những ý đồ chiến lược, tham vọng bành trướng lãnh thổ và hoạt động quân sự của Trung Quốc. Ấn Độ muốn vươn ra khu vực Thái Bình Dương. Mỹ tập hợp đồng minh và đối tác. Nhật Bản còn gây dựng vai trò chính trị và quân sự to lớn hơn ở khu vực và trên thế giới.