Kinhtedothi - An ninh tại New Dehli được tăng cường trong một chiến dịch phức tạp nhất và lớn nhất từ trước đến nay khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thực hiện chuyến thăm kéo dài 3 ngày (24 - 27/1) tới Ấn Độ nhân kỷ niệm Ngày Cộng hòa. Chuyến thăm mở ra nhiều cơ hội tăng cường vị thế và lợi thế cho cả hai quốc gia.
Với địa thế quan trọng, quy mô dân số, tốc độ tăng trưởng kinh tế…, là những yếu tố giúp Ấn Độ ngày càng trở thành một địa điểm hấp dẫn hơn đối với các cường quốc, trong đó có Mỹ, nhất là trên khía cạnh quân sự và thương mại. Trong khi đó, Ấn Độ dưới sự điều hành của Thủ tướng Modi đang muốn đẩy nhanh tiến độ tiếp cận các công nghệ mới từ Mỹ và nhận được sự hợp tác, trợ giúp nhiều hơn của Washington trong cuộc chiến chống lại các tổ chức khủng bố vốn là nỗi ám ảnh dọc biên giới với Pakistan từ nhiều năm qua.
Dù xác định vị trí quan trọng của đối tác trong chiến lược ngoại giao của mình nhưng cả Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Ấn Độ có quá ít cơ hội để gặp nhau nhằm đưa ra một tầm nhìn chiến lược cho quan hệ song phương. Kể từ khi ông Modi nhậm chức, hai nhà lãnh đạo mới gặp nhau 2 lần tại Washington và Myanmar nên cuộc gặp tại New Dehli lần này không chỉ mang ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành một tầm nhìn chung để thúc đẩy quan hệ song phương về quốc phòng, kinh tế, năng lượng, chống khủng bố… Kỳ vọng hay có thể nói là tham vọng thúc đẩy kết nối theo hướng 2 bên cùng có lợi giữa Mỹ và Ấn Độ được cho là sẽ trở thành hiện thực sau chuyến thăm 3 ngày của ông Obama. Chuyến công du mang đậm dấu ấn của “ngoại giao hợp đồng” này dự kiến giúp hai bên ký kết các hợp đồng đầu tư trị giá hàng chục tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng. Ngoài ra hợp tác về quốc phòng, vốn không đáp ứng được kỳ vọng của Mỹ sẽ nhận được động lực tăng trưởng sau các hợp đồng mua bán vũ khí, công nghệ liên quan đến hải quân và không quân dự kiến được ký kết vào cuối tháng này sẽ góp phần đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 500 tỷ USD - mục tiêu đã bị lỡ hẹn từ năm ngoái.
Vậy là chỉ 4 tháng sau khi gặp nhau tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Obama đã tái ngộ Thủ tướng Ấn Độ Modi tại New Dehli. Không chỉ là lãnh đạo đầu tiên của Mỹ tham dự buổi lễ mừng Ngày Cộng hòa được tổ chức hơn 70 năm qua, ông Obama còn là Tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ 2 lần thăm Ấn Độ. Điều này cho thấy Washington muốn nhanh chóng thực hiện tham vọng củng cố và gia tăng sự hiện diện tại Ấn Độ - một đối trọng đầy tiềm năng của Trung Quốc trong khu vực Nam Á. Đổi lại, Ấn Độ cũng hy vọng sự hợp tác với Mỹ sẽ giúp củng cố vị thế trong bản đồ chính trị khu vực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - hiện đã suy giảm so với tốc độ chung của các nền kinh tế mới nổi.
Những tuyên bố mang tính biểu tượng, các bản hợp đồng… được lãnh đạo Mỹ - Ấn ký kết trong thời gian tới cho thấy nhu cầu hợp tác đôi bên cùng có lợi là động lực chính thúc đẩy quan hệ kiểu mới giữa hai quốc gia nằm bên bờ Đại Tây dương và Ấn Độ dương.
Tổng thống Mỹ Barack Obama dự lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ chiều 26/1. Ảnh: AP
|