Mỹ - ASEAN nhất trí về giải quyết tranh chấp trên biển

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 2 ngày làm việc, Tổng thống Mỹ và lãnh đạo các nước ASEAN đã thống nhất về tuyên...

Kinhtedothi - Sau 2 ngày làm việc, Tổng thống Mỹ và lãnh đạo các nước ASEAN đã thống nhất về tuyên bố chung, tập hợp những nguyên tắc và mục tiêu đã được các lãnh đạo nhất trí, đóng vai trò định hướng cho mối quan hệ Mỹ - ASEAN trong thời gian tới.

Nguyên tắc nổi bật trong văn kiện này chính là tinh thần tôn trọng lẫn nhau về chủ quyền của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, bản tuyên bố chung không đề cập trực tiếp đến tranh chấp trên Biển Đông, dù được đánh giá là một chủ đề nóng của hội nghị.
Tổng thống Mỹ và lãnh đạo các nước ASEAN đã thống nhất về tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN.
Tổng thống Mỹ và lãnh đạo các nước ASEAN đã thống nhất về tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu, tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN, ông và lãnh đạo các nước Đông Nam Á đã thảo luận về sự cần thiết làm giảm căng thẳng ở Biển Đông, và nhất trí rằng mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng phương pháp hòa bình và hợp pháp.

Theo Tổng thống Mỹ, các lãnh đạo đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ về một trật tự khu vực mà các quy tắc quốc tế và quyền của mọi quốc gia, dù nhỏ hay lớn, đều được tôn trọng: “Chúng tôi đã thảo luận về sự cần thiết của các bước đi cụ thể tại Biển Đông nhằm giảm căng thẳng, bao gồm nghiêm cấm các hoạt động cải tạo, xây dựng mới và quân sự hóa các khu vực tranh chấp”.

Tuy nhiên, tuyên bố chung được thông qua sau hội nghị kéo dài 2 ngày đã không đề cập trực tiếp đến điều mà Washington mong muốn, liên quan đến Trung Quốc và các theo đuổi chủ quyền ngang ngược của nước này ở Biển Đông. Không phải tất cả các nước thành viên ASEAN đều thống nhất về cách giải quyết các tranh chấp, như Lào và Campuchia, các quốc gia có quan hệ kinh tế mật thiết với Trung Quốc.

Tuyên bố chung tái khẳng định “cam kết chung về duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, đảm bảo an ninh và an toàn trên biển, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không”.

Thời gian gần đây, những hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp và xây dựng các công trình quân sự trên những hòn đảo này ở Biển Đông đã làm dấy lên những quan ngại về tự do hàng hải trong khu vực. Cuối năm ngoái, Mỹ đã điều tàu khu trục tiến gần các đảo nhân tạo phi pháp do Trung Quốc bồi đắp và chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, thực thi các hoạt động tuần tra tự do hàng hải.

Phát biểu sau hội nghị, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đánh giá, bản tuyên bố chung này phản ánh tầm quan trọng trong quan hệ đối tác với ASEAN của Mỹ. Về vấn đề Biển Đông, ông Lý Hiển Long cho rằng, cách phản ứng với vấn đề Biển Đông không chỉ là những tuyên bố miệng mà còn là hành động của các nước trên thực địa, đàm phán và đưa ra những giải pháp thực tiễn.