Mỹ bỏ phiếu phản đối công nhận Nhà nước Palestine

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hành động của Mỹ gây ra nhiều phản ứng đối nghịch. Phía Palestine thất vọng và phẫn nộ, trong khi nhận được lời khen ngợi từ Bộ trưởng Ngoại giao Israel.

Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc Gilad Erdan báo cáo trước Hội đồng Bảo an về tình hình chiến sự tại trụ sở chính của LHQ ngày 18/4. Ảnh: REUTERS/Eduardo Munoz
Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc Gilad Erdan báo cáo trước Hội đồng Bảo an về tình hình chiến sự tại trụ sở chính của LHQ ngày 18/4. Ảnh: REUTERS/Eduardo Munoz

Mỹ đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết đề nghị Đại hội đồng LHQ gồm 193 thành viên "công nhận Nhà nước Palestine là thành viên". Anh và Thụy Sĩ bỏ phiếu trắng, trong khi 12 thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an bỏ phiếu tán thành.

"Mỹ tiếp tục kiên định ủng hộ giải pháp hai nhà nước. Lá phiếu này không phản ánh sự phản đối với việc thành lập Nhà nước Palestine, mà thay vào đó là sự thừa nhận rằng điều đó chỉ có thể đến từ các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan," Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood phát biểu trước hội đồng.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã lên án việc Mỹ phủ quyết trong một tuyên bố là "bất công, phi đạo đức và không thể chấp nhận được."

Đại sứ Palestine tại LHQ Riyad Mansour, trong lúc xúc động, phát biểu trước hội đồng sau cuộc bỏ phiếu: "Việc dự thảo nghị quyết này không được thông qua sẽ không làm chúng tôi nản chí hay nhụt chí. Chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực để đạt được mục tiêu cuối cùng."

Nỗ lực của Palestine nhằm gia nhập LHQ với tư cách thành viên chính thức diễn ra ở thời điểm cuộc chiến giữa Israel và nhóm chiến binh Hamas ở Dải Gaza bước vào tháng thứ 6, đồng thời Israel cũng đang mở rộng các khu định cư cho người Do thái ở Bờ Tây, động thái mà LHQ coi là bất hợp pháp.

Bộ trưởng Ngoại giao Israel Katz đã khen ngợi Mỹ trước lá phiếu phủ quyết.

Phát biểu trước 12 thành viên hội đồng bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết, Đại sứ Israel tại LHQ Gilad Erdan cho biết điều này sẽ chỉ khiến "xung đột tiếp diễn."

Palestine hiện chỉ giữ vị thế là quan sát viên tại LHQ. Đơn xin trở thành thành viên chính thức của LHQ cần được Hội đồng Bảo an thông qua và sau đó là ít nhất hai phần ba phiếu thuận của Đại hội đồng.