Mỹ cam kết xem xét “ngoại giao bền vững và thực chất” vô điều kiện với Triều Tiên

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Sung Kim khẳng định Washington cam kết tìm kiếm “giải pháp ngoại giao bền vững và thực chất” vô điều kiện với Triều Tiên.

 Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim (bên phải) và người đồng cấp Hàn Quốc Noh Kyu-duk tại cuộc họp báo chung ở Seoul, Hàn Quốc hôm 24/10/2021. Ảnh: Getty

Đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên Sung Kim ngày 24/10 đã có cuộc họp với các quan chức Hàn Quốc để thảo luận các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên, bao gồm vụ phóng tên lửa đạn đạo ngầm dưới nước đầu tiên của nước này trong vòng 2 năm gần đây. Các vụ thử tên lửa diễn ra trong bối cảnh các nỗ lực đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên đang tiếp tục bị đình trệ.
Phát biểu với báo chí sau cuộc gặp tại Seoul với người đồng cấp Hàn Quốc Noh Kyu-duk, ông Sung Kim nói rằng các vụ thử tên lửa đạn đạo gần đây của Triều Tiên "gây lo ngại và phản tác dụng" đối với những nỗ lực giảm căng thẳng tại Bán đảo Triều Tiên. Đặc phái viên Mỹ kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt “các hành động khiêu khích” và chấp nhận những đề nghị đối thoại.
Ông Sung Kim cũng khẳng định Mỹ cam kết xem xét “ngoại giao bền vững và thực chất” vô điều kiện với Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh rằng Washington không có ý đồ thù địch với Bình Nhưỡng. “Mục tiêu của chúng tôi là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Đó là lý do vụ thử tên lửa đạn đạo gần đây của Bình Nhưỡng, trong số mấy vụ trong vòng 6 tuần vừa qua, rất đáng lo ngại và phản tác dụng đối với việc đạt được tiến triển về hòa bình lâu dài" - Đặc phái viên Sung Kim nói.
Ông Sung Kim cũng cho biết, các quan chức Mỹ sẵn sàng gặp các quan chức Triều Tiên mà không cần bất cứ điều kiện tiên quyết nào và đã nêu rõ Mỹ không có ý định thù địch đối với Triều Tiên.
Trong khi đó, Đặc phái viên của Hàn Quốc Noh Kyu-duk cho biết, trong cuộc gặp với đặc phái viên của Mỹ, hai bên đã thảo luận nghiêm túc về đề xuất của Hàn Quốc chính thức tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh về cơ bản vẫn còn tồn tại sau khi chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến thay vì một hiệp định hòa bình. Phía Hàn Quốc cho rằng, một tuyên bố như vậy sẽ là cử chỉ thiện trí nhằm nối lại các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần