Mỹ chính thức nâng trần nợ công: Giải pháp tình thế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chưa đầy 10 tiếng trước khi Chính phủ cạn tiền để thanh toán các hóa đơn, Tổng thống Barack Obama đã ký ban hành đạo luật nâng trần nợ Liên bang thêm 2.400 tỉ USD đến năm 2013 và cắt giảm chi tiêu khoảng 2.500 tỉ USD.

Những phản ứng khác nhau
 
Mặc dù cho rằng đạo luật này sẽ giúp Mỹ phải chi tiêu trong khả năng hiện có, nhưng ông Obama cũng thừa nhận, cuộc chiến nâng trần nợ kéo dài nhiều tháng qua đã cản trở đà phục hồi của kinh tế. Vì thế, Tổng thống kêu gọi: Khi nguy cơ nước Mỹ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử đã được đẩy lùi, hai Đảng Dân chủ và Cộng hoà tại Quốc hội cần hợp tác thực chất hơn nhằm giải quyết việc làm, kích thích tăng trưởng để đưa nền kinh tế đất nước thoát khỏi tình trạng u ám hiện nay.
 
Ngay sau khi nước Mỹ thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử, thị trường thế giới đã có những phản ứng khác nhau. Chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc, riêng chỉ số S&P 500 có chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 10/2008. Giá dầu cũng đi xuống, trong khi vàng phá ngưỡng 1.650 USD/ounce do lo ngại tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ sụt giảm. Mặc dù, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's và Fitch hôm 2/8 đều giữ nguyên chỉ số xếp hạng tín dụng của Mỹ ở mức AAA.
 
Nhưng, Moody's vẫn cảnh báo về "viễn cảnh tiêu cực" và cho biết, có thể hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ nếu các quiđịnh về ngân sách không được tuân thủ, hoặc tăng trưởng kinh tế giảm mạnh. Trong khi đó, tổ chức xếp hạng Dragon của Trung Quốc đã hạ xếp hạng tín dụng nợ công của Mỹ từ mức A+ xuống A, do lo ngại nước này không thể giải quyết triệt để vấn đề nợ nần.
 
Trung Quốc và Nhật Bản, hai nhà cho vay lớn nhất tại châu Á của Mỹ và một số nước khác đã chính thức hoan nghênh việc nước này thông qua dự luật nâng trần nợ. Tuy nhiên, Bắc Kinh nhấn mạnh tiếp tục "theo dõi sát sao" việc thực thi đạo luật về nâng trần nợ công và khẳng định, sẽ đa dạng hóa dự trữ ngoài USD nhằm giảm thiểu rủi ro đối với nền kinh tế. Trong khi đó, Thủ tướng Nga Vladimir Putin hôm 1/8 không ngần ngại cáo buộc Mỹ đã tiêu xài quá khả năng và đang "ăn bám" thế giới bằng món nợ khổng lồ. Đặc biệt, Thủ tướng Nga đề xuất thế giới "cần có một đồng tiền dự trữ khác" để đề phòng trường hợp "nếu Mỹ xảy ra một cuộc đổ vỡ có tính hệ thống" sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.
 
Căn bệnh kinh niên
 
Tại Mỹ, các chuyên gia đều cho rằng, đạo luật này không thể chữa trị được căn bệnh vay mượn kinh niên của Mỹ. Theo dự toán ngân sách giai đoạn 2012 - 2016, Mỹ sẽ chi 20.100 tỉ USD, trong khi thu chỉ đạt 16,7 tỉ USD. Như vậy, mức tiết kiệm 2.500 tỉ USD trong 10 năm của đạo luật mới sẽ không đủ bù mức thâm hụt ngân sách trong 4 năm là 3.400 tỉ USD, đó là chưa kể đến khoản nợ công 16.400 tỉ vào cuối năm 2012. Rõ ràng, ngay cả khi Washington tăng gấp đôi tốc độ tiết kiệm, đến năm 2015, Mỹ vẫn phải đi vay thêm 1.000 tỉ USD. Ngoài ra, đạo luật này sẽ buộc Chính phủ, người dân phải hạn chế chi tiêu và tác động tiêu cực đến nền kinh tế vốn phụ thuộc tới 66% chi tiêu tiêu dùng của Mỹ. Đặc biệt, các chuyên gia quân sự cảnh báo ngân sách cho quốc phòng bị cắt giảm 850 tỉ USD trong 10 năm tới có thể gây "rủi ro an ninh Liên bang" và tác động lớn tới cục diện quốc phòng của thế giới. Khoản cắt giảm này đòi hỏi Mỹ phải điều chỉnh tất cả các chiến lược quốc phòng nhằm duy trì địa vị cường quốc quân sự số một thế giới. Ngoài ra, đây sẽ là một cú sốc khi các tập đoàn sản xuất vũ khí sẽ bị giảm đáng kể doanh thu, tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin vừa chính thức khuyến khích 6.500 nhân viên "tự nguyện thôi việc".
 
Để giải quyết được tận gốc vấn đề nợ nần, các chuyên gia cho rằng tăng thuế là giải pháp lâu dài và duy nhất. Hiện, Mỹ là một trong những quốc gia đánh thuế thấp nhất trong các nước công nghiệp phát triển. Điều này, ngoài giúp cân bằng ngân sách còn giảm bớt gánh nặng đang đè lên vai các công ty nhỏ, những người có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, Tổng thống Obama chỉ có cơ hội thực hiện được điều mà Đảng Cộng hoà vẫn kịch liệt phản đối khi chấp nhận nhượng bộ về chương trình chăm sóc y tế và an sinh xã hội.
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần