Mỹ chưa sớm gửi máy bay F-16 cho Ukraine, cân nhắc chuyển giao xe tăng

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tướng Mỹ cho biết Ukraine sẽ chưa thể nhận máy bay F-16 trong tương lai gần. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đang cân nhắc chuyển giao xe tăng cho Ukraine.

Theo Tướng James Hecker của Lực lượng Không quân Mỹ, Ukraine sẽ chưa thể nhận máy bay F-16 trong tương lai gần. Ảnh: AP
Theo Tướng James Hecker của Lực lượng Không quân Mỹ, Ukraine sẽ chưa thể nhận máy bay F-16 trong tương lai gần. Ảnh: AP

Tờ Politico của Mỹ dẫn lời Tướng James Hecker của Lực lượng Không quân Mỹ nói rằng nếu Mỹ quyết định cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine, thì Kiev vẫn sẽ mất từ 2 đến 3 năm để nhận được số máy bay này.

Theo đài RT, Tướng James Hecker - người đứng đầu Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ ở châu Âu- châu Phi (USAFE-AFAFRICA) đã đưa ra dự đoán trên trong bài phát biểu tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Không quân hôm 19/9.

Theo Politico, tướng Hecker nhận định thời gian bàn giao các máy bay chiến đấu sẽ bị trì hoãn vì các vấn đề hậu cần và huấn luyện, song ông tin rằng Ukraine có thể nhận được máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất trong tương lai, vì “mọi người đang bắt đầu suy nghĩ về tương lai xa hơn”.

Tuần trước, tờ Politico tiết lộ chính phủ Mỹ đang cân nhắc gửi máy bay F-16 và hệ thống tên lửa phòng không Patriot tới Ukraine vì cho rằng xung đột với Nga sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều năm.

Trong khi đó, cùng ngày, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết Mỹ có thể cung cấp xe tăng cho quân đội Ukraine để thay thế các phương tiện cũ kĩ từ thời Liên Xô.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 19/9, các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ được hỏi liệu Nhà Trắng có cân nhắc cung cấp xe tăng hạng nặng trong các gói viện trợ tương lai cho Ukraine hay không, vì các nghị sĩ Ukraine trong chuyến thăm Washington gần đây đã đặc biệt thúc đẩy việc chuyển giao xe tăng.

Xe tăng M1 Abrams. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ
Xe tăng M1 Abrams. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Quan chức quốc phòng Mỹ không nói rõ Lầu Năm Góc đang cân nhắc viện trợ loại xe tăng nào cho Ukraine, chỉ đề cập đến "các mẫu xe tương thích của NATO". M1 Abrams hiện là xe tăng chiến đấu chủ lực của Washington, và có một số phiên bản sẵn sàng để xuất khẩu, theo The Drive.

Chính quyền Washington đang tăng cường gửi vũ khí hạng nặng tới Kiev, bao gồm cả pháo phản lực phóng loạt cơ động cao (HIMARS), nhưng vẫn hạn chế viện trợ một số vũ khí hiện đại hơn, như xe bọc thép hạng nặng hoặc máy bay chiến đấu. Thay vào đó, Mỹ đồng ý tạo điều kiện chuyển giao các phương tiện thời Liên Xô từ các nước thứ 3 như Ba Lan, Cộng hòa Czech cho Ukraine.

Gói viện trợ an ninh mới nhất cho Ukraine được Nhà Trắng công bố vào tuần trước, trị giá khoảng 600 triệu USD là gói viện trợ thứ 21 của chính quyền Tổng thống Joe Biden dành cho Kiev. Gói viện trợ bao gồm đạn dược bổ sung cho hệ thống HIMARS, 36.000 quả đạn pháo, 1.000 đầu đạn dẫn đường, một số phương tiện vận tải và vũ khí nhỏ.

Mặc dù chính quyền Tổng thống Biden đã phê duyệt hỗ trợ quân sự trực tiếp trị giá hơn 15 tỷ USD cho Kiev kể từ khi xung đột bùng phát hồi cuối tháng 2, các quan chức Ukraine vẫn tiếp tục thúc đẩy việc cung cấp vũ khí hạng nặng hơn.

Bên cạnh phương tiện chiến đấu của Mỹ, Kiev cũng đã yêu cầu được viện trợ xe tăng chiến đấu Leopard, xe chiến đấu bộ binh Marder và pháo phòng không Gepard từ Đức trong những tuần gần đây, song Berlin vẫn từ chối những yêu cầu này.