Cuộc họp mặt thường niên của các nhà lãnh đạo thế giới và các quan chức đối ngoại, quốc phòng hàng đầu tại Munich hôm 16/2 trở nên căng thẳng khi Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định sự ủng hộ của bà đối với một cách tiếp cận đa phương trong các vấn đề toàn cầu, đồng thời ủng hộ quyết định của châu Âu đứng ra thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Bà Merkel tuyên bố với hội nghị - bao gồm phái đoàn lớn nhất đến từ Quốc hội Mỹ - rằng Đức xem thỏa thuận hạt nhân của Iran như một kênh đảm bảo quan trọng đối với Tehran, nhấn mạnh sự cần thiết của ngoại giao quốc tế.
Đức, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Liên minh châu Âu (EU) đã cố gắng duy trì thỏa thuận năm 2015 với Iran mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi hồi năm ngoái. Thỏa thuận này trì hoãn những trừng phạt Iran dựa trên những hạn chế trong chương trình hạt nhân của nước này. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) khẳng định, cho đến nay Tehran vẫn bám sát thỏa thuận, bất chấp những cáo buộc trái ngược từ Washington.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 16/2 không nằm trong số đông tại Munich dành sự tán thưởng cho bà Merkel khi ông dành bài biểu sau đó của mình để tô đậm sự chỉ trích của Mỹ đối với châu Âu trong vấn đề Iran. Ông Pence kêu gọi người châu Âu chấm dứt thỏa thuận hạt nhân 2015, trong khi gọi quốc gia Hồi giáo Iran là "nhà tài trợ hàng đầu" cho khủng bố trên thế giới
Ông cũng nhắc lại sự phản đối của Mỹ đối với dự án đường ống dẫn khí Nord Stream-2 chung giữa Đức - Nga, điều mà Washington lo ngại sẽ khiến châu Âu phụ thuộc quá nhiều vào Moscow.
Thủ tướng Merkel một lần nữa bảo vệ dự án dưới biển Baltic, bác bỏ những lo ngại của Mỹ là vô căn cứ và cũng đảm bảo với Ukraine rằng họ sẽ không bị cắt đứt khỏi nhiên liệu Nga. Bà Merkel lưu ý rằng châu Âu vẫn đủ khả năng để nhận thêm khí hóa lỏng từ Mỹ như một số các lựa chọn khác, thay vì "loại trừ Nga là chiến lược sai lầm".
Theo AP, bài phát biểu của bà Merkel được đón nhận nồng nhiệt, trong khi ông Pence chỉ nhận được gặp những tràng pháo tay lịch sự.