Mỹ Đức phát triển sản xuất theo quy hoạch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù không có nhiều thế mạnh về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và chủ yếu vẫn là địa phương thuần nông, song lãnh đạo huyện Mỹ Đức cho biết, huyện không phát triển ồ ạt các mô hình kinh tế trang trại, đào ao thả cá mà sản xuất theo quy hoạch cụ thể.

Gìn giữ những vùng lúa

Từ năm 2012 đến nay, gia đình chị Nguyễn Thị Ngân, thôn Trinh Tiết, xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức tham gia vào mô hình sản xuất lúa hàng hóa của xã với giống lúa chủ lực là Bắc thơm số 7. Chị Ngân cho biết, năng suất lúa hàng hóa đạt khoảng 2 tạ/sào, mặc dù đòi hỏi quy trình kỹ thuật khắt khe và công chăm sóc nhiều hơn lúa thuần nhưng giá bán thóc cao hơn nên rất hiệu quả. Theo đánh giá của UBND xã Đại Hưng, năng suất các giống lúa hàng hóa đạt bình quân 5,4 - 5,6 tấn/ha, trừ chi phí hiệu quả sản xuất đạt 27,6 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn lúa Khang Dân 18 là 18,7 triệu đồng/ha.

 
Hội viên nông dân thăm mô hình trồng lúa chất lượng cao tại xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Quang Thiện
Hội viên nông dân thăm mô hình trồng lúa chất lượng cao tại xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Quang Thiện
Mỹ Đức hiện là một trong những vùng có diện tích lúa lớn nhất TP.  Do đó, gìn giữ và phát huy thế mạnh của những vùng sản xuất lúa cũng là định hướng quan trọng của huyện. Hiện nay, trên địa bàn huyện Mỹ Đức đã hình thành vùng lúa hàng hóa chất lượng cao tập trung tại 4 xã là Xuy Xá, Phùng Xá, Đại Hưng và Phù Lưu Tế với diện tích bình quân 800ha/năm. Trong đó, huyện phối hợp với Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân. Ông Lê Hải Hồng - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức cho biết, mỗi năm, huyện dành một nguồn kinh phí khoảng 3 - 4 tỷ đồng cho việc chuyển đổi cơ cấu giống lúa, phát triển các vùng lúa gọn vùng, gọn thửa, sử dụng giống chất lượng cao. Trong đó, để phát triển các vùng sản xuất lúa hàng hóa, huyện hỗ trợ 50% giống lúa lai, lúa chất lượng, kinh phí tập huấn kỹ thuật và một phần phân bón... cho các mô hình khuyến nông khảo nghiệm giống lúa mới.

Tránh phá vỡ quy hoạch

Theo UBND huyện Mỹ Đức, để nâng cao hiệu quả canh tác, định hướng của huyện là chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, những chân ruộng cao chuyển sang quy hoạch trồng cây ăn quả, trồng màu. Mới đây, huyện Mỹ Đức đã chọn xây dựng điểm vùng trồng cây ăn quả tập trung tại xã Đại Hưng với diện tích quy hoạch 20ha, hiện đã trồng được 12ha cam, bưởi, phật thủ... Đồng thời, quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung 5ha ở xã An Mỹ, trong đó UBND huyện hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng như điện, đường, hệ thống thoát nước... Đến nay, xã An Mỹ đã hoàn thành việc xây dựng đề án, mời gọi nhà đầu tư CP group vào phát triển chăn nuôi lợn theo hướng nạc. Hay tại xã Phúc Lâm đã mở rộng mô hình đa canh với diện tích 5ha, tại xã Hợp Tiến có mô hình trồng ớt F1 - Red Chili với diện tích 11,68ha...

Ông Lê Văn Cành - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, tùy từng điều kiện cụ thể của địa phương mà HTX Nông nghiệp quy hoạch, phát triển các mô hình sản xuất phù hợp. Trong đó, huyện chủ trương giữ diện tích lúa ổn định, tập trung thâm canh tăng năng suất, hiệu quả. Đặc biệt, chỉ chuyển đổi ở những diện tích có khả năng, còn lại hạn chế phát triển ồ ạt các trang trại, tránh phá vỡ quy hoạch sử dụng đất bởi sau này cải tạo lại sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh phát triển du lịch kết hợp với tín ngưỡng, trong đó chủ yếu là quần thể khu thắng cảnh Hương Sơn. Ngoài ra, huyện còn phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ở một số địa điểm như hồ Quan Sơn, hồ Tuy Lai. Mặc dù hiện nay các khu du lịch sinh thái còn đang chậm triển khai do thiếu nguồn lực đầu tư, song nếu khai thác tốt tiềm năng, trong tương lai đây sẽ là một trong những thế mạnh kinh tế của huyện Mỹ Đức.
Vụ xuân 2014, toàn huyện Mỹ Đức gieo cấy được 8.044ha lúa, đạt 99,9% kế hoạch đề ra. Trong đó diện tích lúa gieo sạ thẳng hàng bằng giàn kéo tay đạt 305ha, tập trung ở các xã Mỹ Thành, An Mỹ. Cơ cấu giống lúa đã có sự chuyển dịch theo hướng tăng mạnh diện tích cấy các giống lúa lai. Hiện nay, lúa lai, lúa chất lượng cao chiếm 53% diện tích lúa toàn huyện.