Mỹ: FDA cho phép điều trị bằng huyết tương từ người nhiễm Covid-19 khỏi bệnh

Nguyễn Phương (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu của trường đại học Johns Hopkins University, Mỹ ghi nhận tổng cộng hơn 50.206 người nhiễm Covid-19 và ít nhất 600 ca tử vong.

Mỹ ghi nhận tổng cộng hơn 50.206 người nhiễm Covid-19 tính đến ngày 24/3.
Tính đến 24/3, Mỹ báo cáo tổng cộng 50.206 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và 600 ca tử vong tăng 132 trường hợp so với một ngày trước đó.
Số người nhiễm mới dịch Covid-19 tại Mỹ đã tăng hơn 10 lần trong vòng 1 tuần qua. Trước đó, Mỹ mới ghi nhận khoảng 100 ca mắc virus SARS-CoV-2 hôm 1/3 và tăng lên con số 5.000 cách đây 1 tuần. Mỹ trở thành nước bị ảnh hưởng nặng nề thứ 3 thế giới bởi đại dịch Covid-19, sau Trung Quốc và Italia.
TP New York là điểm dịch "nóng" nhất tại Mỹ. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết, tính đến ngày 24/3 bang này ghi nhận 25.665 trường hợp nhiễm Covid-19, chiếm gần một nửa số trường hợp mắc bệnh tại Mỹ. Quan chức Nhà Trắng hôm 24/3 cho biết bất kỳ ai đi khỏi TP New York cũng nên tiến hành cách ly 14 ngày.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 24/3 cảnh báo Mỹ có nguy cơ trở thành tâm dịch mới của thế giới. Theo người phát ngôn WHO Margaret Harris, trong 24 giờ qua, 85% số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 xảy ra tại châu Âu và Mỹ, trong đó số ca nhiễm tại Mỹ chiếm tới 40%.
Bà Harris nhận định trong bối cảnh số ca nhiễm tăng nhanh tại Mỹ, quốc gia này có nguy cơ trở thành tâm dịch mới. Theo bà Harris, tình hình dịch bệnh trên thế giới cũng đang diễn biến rất nhanh và số ca nhiễm mới và tử vong sẽ sớm tăng mạnh.
Trong diễn biến mới nhất, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hôm 24/3 đã phê duyệt các phác đồ khẩn cấp mới cho phép các bác sĩ điều trị bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 bằng huyết tương từ người nhiễm Covid-19 khỏi bệnh, theo NBC News.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo hôm 23/3 cho biết giới chức y tế bang này sẽ bắt đầu sử dụng phương pháp điều trị bằng huyết tương cho những bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng.
Việc điều trị bằng huyết tương, đã có hàng thế kỷ và được sử dụng trong đại dịch cúm năm 1918. Phương pháp này cũng được sử dụng trên một số bệnh nhân trong đợt bùng phát SARS năm 2002.
Tuy nhiên, FDA cảnh báo rằng phác đồ điều trị bằng huyết tương chưa được chứng minh có hiệu quả đối với dịch Covid-19 và các nhà nghiên cứu nên xin phép trước khi bắt đầu thử nghiệm điều trị cho bệnh nhân./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần