Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ gấp rút chở nước ngọt cứu nhà máy hạt nhân Nhật

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Động thái trên là phương thức mới nhất nhằm phục hồi lại nhà máy hạt nhân nằm gần bờ biển và cách đông bắc Tokyo 250km này.

KTĐT - Động thái trên là phương thức mới nhất nhằm phục hồi lại nhà máy hạt nhân nằm gần bờ biển và cách đông bắc Tokyo 250km này.

Sà lan của hải quân Mỹ chất đầy nước ngọt hôm nay đã hối hả tiến về nhà máy điện hạt nhân đang gặp trục trặc của Nhật, nhằm hỗ trợ giảm lượng phóng xạ đang tăng cao và chuyển nước bị nhiễm xạ ra khỏi nhà máy.

Các công nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I đã bơm nước biển nhằm giảm nhiệt các lò phản ứng kể từ khi hệ thống làm lạnh của nhà máy bị trận siêu động đất/sóng thần hôm 11/3 gây hư hại.

 

Công ty điều hành nhà máy Tepco hiện đang khẩn trương dùng nước ngọt thay thế nước biển, bởi muối trong nước biển có khả năng ăn mòn, Hidehiko Nishiyama, thuộc Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật cho hay trong cuộc họp báo ngày hôm nay.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật cuối ngày hôm qua cũng cho biết chính phủ Mỹ đã yêu cầu Nhậtcần phải chuyển ngay sang dùng nước ngọt để làm mát các thanh nhiên liệu, vì muối và các chất gây ô nhiễm khác trong nước biển có thể bám vào ống bơm và phủ lên bề mặt vỏ chứa lò phản ứng cùng các thanh nhiên liệu, gây tác dụng ngược đối với quá trình làm lạnh.

 

Bộ trưởng Quốc phòng cũng cho biết quân đội Mỹ đang chuyển nước ngọt từ Vịnh o­nahama gần đó và sẽ bắt đầu bơm nước vào đầu tuần tới.

 

Bộ chỉ huy Thái Bình dương của Mỹ hôm nay cũng xác nhận các sà lan chở theo nước ngọt đã được điều động tới Fukushima.

 

Động thái trên là phương thức mới nhất nhằm phục hồi lại nhà máy hạt nhân nằm gần bờ biển và cách đông bắc Tokyo 250km này.

Kể từ sau thảm họa động đất/sóng thần, phóng xạ với hàm lượng thấp đã rò rỉ ra ngoài nhà máy, buộc người dân sống trong bán kính 20km phải đi sơ tán.

 

Sau đó, lượng phóng xạ cao đã được phát hiện trong sữa tươi, nước biển và 11 loại rau, trong đó có bông cải xanh, súp lơ, củ cải, buộc nhiều nước phải ngừng nhập khẩu các sản phẩm từ vùng Fukushima.

 

Ngoài ra, nước máy ở nhiều khu vực tại Nhật, trong đó có Tokyo, cũng chứa phóng xạ vượt quá tiêu chuẩn cho phép đối với trẻ em, đối tượng đặc biệt dễ bị ung thư do phóng xạ iot gây ra.

 

Ngày hôm qua, giới chức an toàn hạt nhân Nhật tiết lộ họ nghi ngờ một hoặc hơn một lò phản ứng của nhà máy Fukushima I bị thủng. Lỗ thủng hoặc nứt đó có khả năng nằm ở vỏ chứa làm bằng thép không gỉ quanh lõi chứa các thanh nhiên liệu hoặc là bức tường bê tông quanh một bể chứa các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng.

 

Nghi ngờ càng tăng cao, khi 2 công nhân đã bị bỏng da vì tiếp xúc với nước chứa lượng phóng xạ lớn gấp 10.000 lần mức thường thấy ở các lò phản ứng.

 

Theo các chuyên gia, lỗ thủng như thế đồng nghĩa với việc phóng xạ thoát ra ngoài lớn hơn người ta đã tưởng rất nhiều. Hậu quả rõ ràng nhất là chúng gây nhiễm xạ nguồn nước ngầm.

 

Ngay sau tiết lộ trên, giới chức chính phủ Nhật đã khuyên người dân sống trong vòng bán kính từ 20-30km từ nhà máy tự nguyện sơ tán. Trước đây chính phủ khuyên họ nên ở trong nhà.

 

Nghiêm trọng hơn, sáng nay, công ty Teppco còn tuyên bố lượng phóng xạ trong nước biển Thái Bình Dương gần nhà máy cao gấp 1.250 lần giới hạn cho phép, mặc dù các chuyên gia cho rằng hàm lượng đó không có nguy cơ gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người cũng như cho các sinh vật biển.