Chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm 8/10 thông báo sẽ áp hạn chế thị thực lên một loạt quan chức Trung Quốc mà Mỹ cho là có hành vi vi phạm quyền của người thiểu số theo đạo Hồi.
Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ hạn chế cấp thị thực đối với những quan chức liên quan đến việc "bắt giam hoặc lạm dụng" người Duy Ngô Nhĩ cũng như các nhóm Hồi giáo thiểu số khác ở Tân Cương.
Tuy nhiên, giới chức Mỹ tuyên bố vòng đàm phán thương mại cấp cao giữa Washington và Bắc Kinh trong tuần này vẫn sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch.
Quyết định trên được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố chỉ một ngày sau khi Bộ Thương mại nước này đưa 20 cơ quan an ninh và 8 công ty Trung Quốc vào "danh sách đen" thương mại, cũng với lý do các cơ quan và các công ty này vi phạm quyền của người thiểu số theo đạo Hồi.
Bộ Ngoại giao Mỹ không nêu danh tính cụ thể của các quan chức Trung Quốc bị áp hạn chế visa. Ngoại trưởng Pompeo nói hạn chế này là sự "bổ sung" cho biện pháp của Bộ Thương mại.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chỉ trích động thái của Mỹ là "tạo cớ" để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. "Vấn đề Tân Cương hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc mà nước ngoài không được phép can thiệp. Chúng tôi kêu gọi Mỹ sửa chữa ngay lập tức hành vi sai trái và dừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc", đại sứ quán Trung Quốc viết trên mạng xã hội Twitter.
Động thái của Mỹ phủ bóng lên vòng đàm phán thương mại giữa quan chức cấp cao hai nước ở Washington dự kiến diễn ra từ ngày 10-11/10. Trong các ngày 7 và 8/10, các quan chức cấp thứ trưởng hai bên đã có các cuộc thảo luận để chuẩn bị cho cuộc gặp cấp bộ trưởng.
Người phát ngôn của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ nói rằng hiện chưa có lịch họp trong ngày 9/10, nhưng các cuộc hội đàm cấp cao với sự tham dự của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin sẽ diễn ra như dự kiến từ ngày 10-11/10.
Một nhà ngoại giao Trung Quốc nói với Reuters rằng Trung Quốc muốn có một thỏa thuận với Mỹ, nhưng thỏa thuận đó không thể là một "trò chơi có tổng bằng 0". Nhà ngoại giao này nói điều quan trọng là Mỹ phải chấp nhận khác biệt trong hệ thống kinh tế của hai nước, đặc biệt là mô hình phát triển kinh tế do nhà nước dẫn đầu của Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã gây sóng gió trên thị trường tài chính và gia tăng áp lực suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu suốt hơn 15 tháng qua.
Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 8/10 đưa ra cảnh báo mạnh mẽ về tình trạng hiện nay của nền kinh tế thế giới. Bà Georgieva nhấn mạnh rằng sự giảm tốc tăng trưởng có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu không có hành động giải quyết thương chiến và hỗ trợ tăng trưởng.
Vòng đàm phán thương mại thứ 13 giữa hai cường quốc kinh tế thế giới diễn ra chỉ vài ngày trước khi Mỹ dự kiến tăng thuế quan bổ sung lên 30% từ 25% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết việc tăng thuế này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/10 nếu đàm phán không có tiến bộ.
Vòng đàm phán thương mại giữa quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc ở Washington dự kiến diễn ra từ ngày 10-11/10. |
Giới quan sát quốc tế đang hạ thấp kỳ vọng trước thềm vòng đàm phán thương mại sắp tới tại Washington, trong bối cảnh khác biệt giữa hai bên liên quan đến các vấn đề cơ bản chưa thu hẹp lại.
Không khí trước thềm đàm phán thương mại Mỹ - Trung tuần này đặc biệt lại càng căng thẳng sau khi Tổng thống Trump hôm 7/10 thông báo liệt 28 thực thể Trung Quốc và "danh sách đen".
Bên cạnh đó, Bloomberg hôm 8/10 đưa tin chính quyền Tổng thống Trump đang có động thái trước với các cuộc thảo luận xung quanh khả năng hạn chế dòng vốn vào Trung Quốc, đặc biệt là các khoản đầu tư từ các quỹ hưu trí của Chính phủ.
Trong một tuyên bố mới nhất, ông chủ Nhà Trắng hôm 7/10 cho hay ông thích đạt được một thỏa thuận toàn diện bao gồm tất cả các yếu tố thay vì một thỏa thuận nhỏ về các vấn đề tương đối dễ dàng.
Về phần mình, Trung Quốc cũng thể hiện quan điểm cứng rắn. "Tôi cảm thấy rằng xã hội Trung Quốc đặt kỳ vọng thấp về một cú đột phá thực sự trong vòng đàm phán thương mại sắp tới. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng thương chiến và đàm phán thương mại đã trở thành một điều bình thường giữa Trung Quốc và Mỹ", ông Hu Xijin - Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, viết trên Twitter./.