Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ không còn trung lập trong vấn đề Biển Đông

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới quan sát nhận định rằng những diễn biến mới đây từ giới chức Mỹ cho thấy chính quyền Washington không còn duy trì trạng thái trung lập mà sẽ gia tăng chống lại các hành vi phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Sự đảo chiều 
Trong tuyên bố “Lập trường của Mỹ về các yêu sách biển tại Biển Đông” đăng trên website của Bộ Ngoại giao hôm 13/7, Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh yêu sách của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông cũng như chiến dịch bắt nạt của nước này để kiểm soát các nguồn tài nguyên là hoàn toàn phi pháp.
 Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh yêu sách của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông là hoàn toàn phi pháp.
Ngoại trưởng Pompeo cho biết, Mỹ mong muốn duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông, chống lại các nỗ lực thay đổi nguyên trạng "bằng cưỡng ép hoặc sử dụng vũ lực", đồng thời tuyên bố Washington chia sẻ lợi ích vớMi các đồng minh và đối tác về một trật tự thế giới dựa trên luật lệ.
Cũng trong tuyên bố này, Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại rằng phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) cũng đã bác bỏ các yêu sách biển của Trung Quốc vì không có căn cứ dựa trên luật pháp quốc tế. Ông Pompeo nhấn mạnh, Mỹ từng tuyên bố phán quyết đó là cuối cùng và mang tính ràng buộc pháp lý đối với Trung Quốc lẫn Philippines.
Ngay sau đó, phát biểu tại hội nghị trực tuyến về Biển Đông do tổ chức nghiên cứu chính sách CSIS tổ chức ngày 14/7, ông David Stillwell - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình, đã thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc đang đe dọa trật tự đã tồn tại hàng thập kỷ ở châu Á. Ông Stillwell khẳng định rằng Mỹ "sẽ không để Trung Quốc tuyên bố Biển Đông là của riêng mình", tờ USNI News cho biết.
Trợ lý Ngoại trưởng Stilwell cũng tuyên bố Washington để ngỏ khả năng trừng phạt các quan chức và DN Trung Quốc có liên quan tới các hành vi phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông. "Không có gì bị loại trừ, có khả năng cho điều đó (trừng phạt Trung Quốc). Hành động rõ ràng và thực chất, đó mới là thứ ngôn ngữ Trung Quốc hiểu được", nhà ngoại giao Mỹ tuyên bố.
Ngay sau khi chính quyền Tổng thống Trump bác bỏ hầu như toàn bộ yêu sách hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông, một tàu chiến Mỹ đã xuất hiện gần quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hôm 14/7, theo xác nhận của Hải quân Mỹ. Tàu USS Ralph Johnson được triển khai thực hiện các hoạt động an ninh biển và hợp tác an ninh vì một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Theo người phát ngôn của Hải quân Mỹ, đây là hoạt động tự do hàng hải cổ xúy cho các quyền hợp pháp trong sử dụng biển được luật pháp quốc tế công nhận. Trước đó, hồi đầu tháng này, quân đội Mỹ đã cử hai nhóm tấn công tàu sân bay tham gia tập trận tại Biển Đông cùng thời điểm Trung Quốc cũng tổ chức tập trận trong khu vực.
Theo giới phân tích, Washington qua nhiều đời tổng thống luôn khẳng định Mỹ duy trì lập trường trung lập đối với các tranh chấp trên Biển Đông, tuy nhiên lập trường này đã hoàn toàn đảo chiều với tuyên bố hôm 13/7 của Ngoại trưởng Mike Pompeo.
Chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama đã phản đối các yêu sách của Bắc Kinh sau phán quyết PCA năm 2016 và ép Trung Quốc ngừng việc cải tạo đất đai tại bãi cạn Scarborough. Song, tuyên bố mới nhất của Ngoại trưởng Pompeo là lần đầu tiên Mỹ công khai bác bỏ các yêu sách của Bắc Kinh tại Biển Đông - tuyến đường thủy chiến lược toàn cầu với tổng giá trị giao dịch vận tải lên tới 5 nghìn tỷ  USD mỗi năm.
Chính giới Mỹ và quốc tế lên tiếng ủng hộ Washington
Tuyên bố lập trường của Chính phủ Mỹ về vấn đề Biển Đông nhận được sự ủng hộ từ các nghị sĩ đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ và Ủy ban Đối ngoại Hạ viện.
“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định của chính quyền Tổng thống Trump làm rõ lập trường của Mỹ rằng những yêu sách biển và lãnh hải của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp”, hai thượng nghị sĩ Jim Risch và Bob Menendez, cùng hai hạ nghị sĩ Eliot Engel và Michael McCaul nhấn mạnh trong tuyên bố chung được đăng trên website của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ.
Quan điểm cứng rắn của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận được phản ứng tích cực từ chính quyền Manila. Bộ Quốc phòng Philippines ngày 14/7 ra tuyên bố bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ trước quan điểm mới nhất của Mỹ đối với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời yêu cầu Trung Quốc thực hiện nghiêm phán quyết PCA đưa ra hồi tháng 7/2016.
Tàu USS Ralph Johnson của hải quân Mỹ đã xuất hiện gần quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hôm 14/7.
Tuyên bố nêu rõ, Philippines đồng thuận mạnh mẽ với quan điểm của cộng đồng quốc tế về việc cần phải có một trật tự dựa trên nền tảng luật lệ ở Biển Đông. Philippines cùng với các bên liên quan cũng có kế hoạch đẩy nhanh việc hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông để giải quyết tranh chấp, ngăn chặn leo thang căng thẳng tại khu vực. 
Trong Sách trắng quốc phòng thường niên được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phê chuẩn ngày 14/7, chính phủ nước này cảnh báo Trung Quốc “đang tiếp tục tìm cách thay đổi hiện trạng” ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Sách trắng viết rằng Bắc Kinh đang củng cố yêu sách lãnh hải ở Biển Đông bằng cách thiết lập các khu quản lý hành chính ở khu vực tranh chấp.
Theo đánh giá của giới quan sát, tuyên bố ngày 13/7 của Bộ Ngoại giao Mỹ có thể mở đường cho những chỉ trích mạnh mẽ hơn đối với các hành vi quấy rối của Trung Quốc tại các vùng biển trong khu vực.
Ông Chen Xiangmiao - Nhà nghiên cứu Viện nghiên cứu Biển Đông tại Hải Nam, nhận định rằng tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo cho thấy quan điểm rõ ràng hơn của Mỹ liên quan đến vấn đề chủ quyền tại Biển Đông.
“Chúng ta thường nói Washington vốn giữ vai trò trung lập trong  tranh chấp chủ quyền, song với tuyên bố mới nhất bác bỏ hầu như toàn bộ yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh tại Biển Đông, điều này báo hiệu Trung Quốc và Mỹ đang tiến sát một cuộc Chiến tranh Lạnh mới” - ông Chen cho hay.