Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cung cấp hệ thống tên lửa tiên tiến cho Ukraine:

Mỹ như đang đổ dầu vào lửa

Thu Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Tư mới đây quyết định cung cấp cho Ukraine các hệ thống tên lửa tiên tiến có thể tấn công các mục tiêu cách xa hàng chục dặm.

Đây là điều Mỹ đáp lại lời kêu gọi sau nhiều tháng của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Giới quan sát cho rằng đây là việc là không khác gì “đổ dầu vào lửa”, mà ở đây là lò lửa chiến tranh.

Hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS). Ảnh: Army Recognition
Hệ thống tên lửa cơ động cao (HIMARS). Ảnh: Army Recognition

Sự hỗ trợ quá đà?

Phát biểu với báo giới sau thông báo hôm thứ Tư của Mỹ, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cáo buộc Mỹ leo thang chiến tranh một cách nguy hiểm, làm dấy lên bóng ma không chỉ về việc gia tăng giao tranh trong nước mà còn có khả năng lan rộng ra ngoài biên giới Ukraine. Peskov nói: “Mỹ đang cố tình và siêng năng đổ dầu vào lửa”.

Trên thực tế, khi quyết định cung cấp 4 hệ thống tên lửa (HIMARS) do Mỹ sản xuất, ông Joe Biden cũng muốn có nhiều sự đảm bảo từ Ukraine, rằng HIMARS sẽ chỉ được sử dụng như một vũ khí phòng thủ và không được bắn vào lãnh thổ Nga.

Các quan chức Mỹ cho biết, với vai trò là một biện pháp bảo vệ, các tên lửa mà chính quyền Mỹ quyết định cung cấp cho Ukraine có tầm bắn tối đa khoảng 48 dặm, thay vì các loại đạn HIMARS tiên tiến hơn, một số có thể bay tới 300 dặm.

Ngay từ đầu cuộc xung đột Nga - Ukraine, Joe Biden đã được thúc đẩy gửi ngày càng nhiều các lô hàng vũ khí do Mỹ sản xuất cho Ukraine.

Cứ sau vài tuần, ông lại phải đối mặt với cùng một tình huống khó xử: Mỹ có thể đi bao xa để cung cấp viện trợ quân sự cần thiết mà không leo thang dẫn đến chiến tranh mở giữa các đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga?

Colin Kahl - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ nói với các phóng viên tại Lầu Năm Góc: “Chúng tôi lưu tâm đến nguy cơ leo thang chiến tranh. Nhưng trong trường hợp đầu tiên, chúng tôi tập trung vào những gì chúng tôi nghĩ rằng người Ukraine cần cho cuộc chiến hiện tại”.

Ông Biden viết trên tờ New York Times, giải thích về quyết định của mình: “Miễn là Mỹ hoặc các đồng minh của chúng tôi không bị tấn công, chúng tôi sẽ không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột này, bằng cách gửi quân đội Mỹ đến chiến đấu ở Ukraine hoặc bằng cách tấn công lực lượng Nga. Chúng tôi không khuyến khích hoặc tạo điều kiện cho Ukraine tấn công bên ngoài biên giới của mình. Chúng tôi không muốn kéo dài chiến tranh chỉ để gieo rắc đau thương cho nước Nga”.

Bóng ma leo thang chiến tranh

Nếu lực lượng của Nga sa lầy khi chiến đấu với quân đội Ukraine nhỏ hơn, kém năng lực hơn, nhiều chuyên gia lo ngại nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu rộng lớn hơn, thảm khốc hơn với phương Tây sẽ tăng cao. Hiện vẫn chưa rõ Ukraine phải đối mặt với những hậu quả gì nếu tên lửa HIMARS tấn công Nga dù vô tình hay cố ý. Phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Tư rằng Moscow không tin vào lời hứa của Ukraine sẽ không sử dụng vũ khí mới bên ngoài biên giới của mình.

Nhà Trắng đã buộc phải điều chỉnh chiến lược của mình ở mọi thời điểm trong cuộc xung đột. Vào tháng 3, Chính quyền Biden đã hoãn một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đã được lên kế hoạch từ lâu vì lo ngại rằng Nga sẽ coi nó là mối đe dọa. Một tuần sau, Mỹ từ chối đề nghị cung cấp 28 máy bay chiến đấu MiG-29 cho không quân Ukraine vì những lý do tương tự.

Đồng thời, Washington và các đồng minh đã tìm ra nhiều cách để hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến. Lúc đầu, sau chiến dịch quân sự ngày 24/2 của Nga, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế sâu rộng. Sau đó, họ tăng số lượng và chất lượng vũ khí mà họ cung cấp cho Kyev. Khi lượng vũ khí tăng đều đặn, họ bắt đầu cung cấp các khóa huấn luyện vũ khí cho quân đội Ukraine bên ngoài đất nước.

Chính quyền Biden đã nhiều lần khẳng định quân đội Mỹ sẽ không chiến đấu ở Ukraine, nhưng Tổng thống Mỹ đã tăng cường phòng thủ ở các nước xung quanh bằng cách di chuyển khoảng 14.000 quân về phía Đông ở châu Âu, chủ yếu ở Ba Lan để huấn luyện và trấn an các đồng minh.

Ukraine không phải là thành viên của NATO, nhưng có đường biên giới với 4 quốc gia: Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania. Mỹ và các đồng minh NATO khác đã cam kết bảo vệ các thành viên Đông và Trung Âu của họ theo cam kết phòng thủ chung tại Điều 5 của liên minh.

Mỹ cũng đang đổ lỗi cho sự leo thang trước ngưỡng cửa của Moscow. Kahl, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Colin Kahl, nói với các phóng viên tại Lầu Năm Góc: “Người Nga có thể chấm dứt cuộc xung đột này bất cứ lúc nào họ muốn. Nếu họ cảnh giác về sự leo thang, tất cả những gì cần của một người đàn ông nói là dừng lại. Và họ có thể làm được”.

Tuy nhiên với việc cung cấp hệ thống HIMARS cho Ukraine, Mỹ đang đổ thêm dầu vào lò lửa chiến tranh đang cháy ngùn ngụt và khiến dấy lên nhiều mối lo ngại khác.