Mỹ: Quốc hội trì hoãn áp đặt trần nợ công

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Quốc hội Mỹ ngày 31/1 đã trì hoãn áp đặt trần nợ công của nước này đến tháng Năm tới, qua đó gia hạn cho các nghị sỹ thêm ba tháng để thảo luận vấn đề ngân sách đang đứng trước nguy cơ phá sản và ngăn chặn nguy cơ xảy ra thảm họa này.

Với tỷ lệ 64 phiếu thuận và 34 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã ủng hộ dự luật được thông qua tại Hạ viện hồi tuần trước, cho phép chính phủ vay quá giới hạn vay nợ theo quy định tới ngày 18/5 tới, trong bối cảnh các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa đang gấp rút thương lượng để đạt được một thỏa thuận lớn hơn nhằm kiểm soát thâm hụt ngân sách và nợ liên bang của Mỹ.

 
Mỹ: Quốc hội trì hoãn áp đặt trần nợ công - Ảnh 1
 
Ảnh chỉ có tính minh họa.

Nợ công của Mỹ tính đến ngày 31/12/2012 đã chạm mức trần do Quốc hội quy định là 16.400 tỷ USD và hiện đã chiếm tới 80% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ.

Bộ Tài chính nước này đã phải thực hiện những biện pháp đặc biệt nhằm tiếp tục trang trải những khoản nợ của chính phủ đến hết tháng 2/2013.

Chính phủ Mỹ đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ nếu Quốc hội không tăng hoặc cho phép Tổng thống Obama tăng mức trần vay nợ.

Tuần trước, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu nhất trí tạm gia hạn mức trần nợ công thêm ba tháng nữa nhằm tránh cho chính phủ liên bang bị vỡ nợ hoặc phải đóng cửa.

Dự luật được thông qua mang tên "Dự luật không có ngân sách sẽ không có lương 2013," cho phép Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục được vay tiền để chi tiêu cho tới ngày 19/5 tới.

Tuy nhiên, kế hoạch này cũng kèm theo một điều kiện về ngân sách, theo đó cả Thượng viện và Hạ viện mỗi viện sẽ phải thông qua một giải pháp ngân sách cho tài khóa tới, nếu không nghị sỹ của viện đó sẽ không được trả lương và toàn bộ số tiền đó sẽ được chuyển vào tài khoản thứ ba cho đến khi giải pháp ngân sách được thông qua.