Mỹ sắp đưa ra đề xuất mới nhằm phá thế bế tắc đàm phán hạt nhân với Iran

Nguyễn Phương (Theo Sputnik)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden sắp đưa ra một đề xuất mới để có thể tiến hành đàm phán với Iran ngay trong tuần này.

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Iran vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các báo cáo gần đây cho thấy chính quyền Tổng thống Biden đang xem xét đưa ra một giải pháp ngoại giao mới để thuyết phục Tehran ngồi vào bàn đàm phán về Thỏa thuận Hạt nhân Iran.
 Tổng thống Mỹ đã bày tỏ ý định đưa Mỹ trở lại Thỏa thuận Hạt nhân Iran. Ảnh: AP
Tờ Politico hôm 29/3 cho biết, sáng kiến ​​mới đang được Nhà Trắng xem xét có thể tạo điều kiện để Mỹ và Iran tiến hành các cuộc đàm phán ngay trong tuần này.
Hai nguồn tin quen thuộc tiết lộ với Politico, nói rằng đề xuất do Nhà Trắng đưa ra sẽ yêu cầu Iran ngừng một số chương trình hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ ý định đưa Mỹ trở lại Thỏa thuận Hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) - hiệp định hạt nhân quan trọng mà cựu Tổng thống Donald Trump, đã đơn phương rút khỏi vào tháng 5/2018.
Phía Washington khẳng định các lệnh trừng phạt chỉ có thể được dỡ bỏ sau khi Iran quay lại tuân thủ hoàn toàn JCPOA.
Tuy nhiên, Iran kiên quyết cho rằng các biện pháp trừng phạt mà cựu Tổng thống Trump áp đặt và mở rộng với nước Cộng hòa Hồi giáo này phải được dỡ bỏ trước khi Iran tuân thủ bất kỳ điều kiện nào.
Năm 2018, Iran bắt đầu quay lại làm giàu uranium sau khi ông Trump đơn phương rút khỏi JCPOA, một thỏa thuận mà ông cho là "thỏa thuận tồi tệ nhất", đồng thời tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Tehran.
Chính quyền Tổng thống Biden đang đối mặt với sức ép phải sớm đàm phán về JCPOA trong bối cảnh Iran tiếp tục tăng tốc phát triển chương trình hạt nhân, bao gồm việc ký một thỏa thuận trị giá 400 tỷ USD với Trung Quốc,
Trong thỏa thuận an ninh và kinh tế ký kết hôm 27/3, Trung Quốc đồng ý đầu tư 400 tỷ USD vào Iran trong 25 năm để đổi lấy nguồn cung cấp dầu mỏ ổn định nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thỏa thuận có thể giúp gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Đông, đồng thời giảm thiểu tác động từ nỗ lực của Mỹ trong việc cô lập Iran./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần