Hiện tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 mà Nga luôn khẳng định hoàn toàn là một dự án kinh tế vẫn đang chịu áp lực từ căng thẳng chính trị.
Chính quyền Mỹ cảnh báo có thể trừng phạt các công ty châu Âu tham gia dự án Dòng chảy phương Bắc 2. |
Richard Grenell, người vừa được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Đức hồi tháng 5/2018 cho biết, các DN châu Âu tham gia trong liên doanh này "luôn đối mặt nguy hiểm" về các lệnh trừng phạt liên quan đến dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga.
Tờ Handelsblatt của Đức đưa tin Washington có thể áp đặt trừng phạt đối với 2 nhà thầu châu Âu đang tham gia thi công tuyến đường ống khí đốt cho dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
Các nguồn tin trong Chính phủ liên bang Đức tiết lộ với tờ Handelsblatt rằng, Nhà Trắng sẽ chủ yếu áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty lắp đặt đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 thay mặt cho nhà thầu chính - Nord Stream 2 AG. 2 nhà thầu này bao gồm tập đoàn Allseas có trụ sở tại Thụy Sĩ và Saipem có trụ sở tại Italia.
Người phát ngôn của Allseas, đơn vị đã tiến hành lắp đặt hơn 90% đường ống, được trích dẫn là từ chối nhận định về tác động tiềm tàng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Theo tờ Handelsblatt, tập đoàn Saipem không bình luận về thông tin trên, song các nguồn tin trong ngành đã gọi các biện pháp trừng phạt đối với công ty của Italia là "vô nghĩa" vì họ đã hoàn thành phần lớn công việc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Dòng chảy Phương Bắc 2, nói rằng dự án này sẽ gây nhiều "rủi ro" đối với người Đức, nhưng đã tuyên bố sẽ không làm khó các nhà đầu tư tham gia tuyến đường ống khí đốt của Nga.
Mặc dù vậy, Đại sứ Richard Grenell, một đồng minh thân cận của ông Trump, lại đưa ra một thông điệp đáng lo ngại hơn.
Đại sứ Grenell nói với Handelsblatt, các công ty tham gia xây dựng tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 "luôn gặp nguy hiểm, vì các biện pháp trừng phạt có thể được áp đặt bất kỳ thời điểm nào”, đồng thời cho biết nguy cơ “lờ mờ” có thể đối mặt các lệnh trừng phạt sẽ buộc các công ty tham gia tự rút khỏi dự án này.
Chính quyền Mỹ luôn phản đối việc thực hiện Dòng chảy Phương Bắc 2, nói rằng liên doanh do tập đoàn Gazprom đứng đầu, được thiết lập để chuyển hướng dòng khí đốt sang Đức qua biển Baltic mà không cần quá cảnh tại Ukraine- điều gây ra mối đe dọa đối với an ninh năng lượng châu Âu. Washington cho rằng Dòng chảy Phương Bắc 2 có thể được Moscow sử dụng để tạo đòn bẩy kinh tế và chính trị. Tổng thống Trump đã kêu gọi các nước châu Âu ủng hộ việc dừng dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 để quay sang nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ.
Cả Moscow và Berlin đều bác bỏ các cáo buộc trên và nói rằng Dòng chảy Phương Bắc 2 là một dự án kinh tế thuần túy. Người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov đã tuyên bố các đòi hỏi của Mỹ nhằm ngụy trang cho một "cuộc cạnh tranh không trung thực". Ủy ban châu Âu cho biết họ không ủng hộ liên doanh Dòng chảy Phương Bắc 2, song từ chối cấm dự án này.