Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ tiếp tục hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ “rồng lửa” S-400 của Nga

Nguyễn Phương (Theo Sputnik)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lầu Năm Góc kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ hệ thống phòng không S-400 mua từ Nga, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác quân sự song phương.

Thông cáo được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 1/4 cho biết, trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar, Bộ trưởng Lloyd Austin đã hối thúc Ankara không giữ lại các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 do Nga sản xuất.
Mỹ lại kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ bỏ hệ thống phòng không S-400 do Nga chế tạo. Ảnh: Tass
"Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã có cuộc điện đàm, thảo luận về bất ổn dọc sườn đông và nam NATO, bao gồm những thách thức từ Nga. Bộ trưởng Austin nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh hợp tác quân sự Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ và kêu gọi Ankara từ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga", thông cáo của Lầu Năm Góc nêu rõ.
Trước đó, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói với Sputnik rằng lập trường của Ankara về việc sử dụng hệ thống phòng không S-400 của Nga vẫn không thay đổi: Thổ Nhĩ Kỳ không cần sự cho phép của Mỹ về việc này. Theo người phát ngôn của Ủy ban Quốc phòng tại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara đã đưa ra quyết định về hệ thống phòng không S-400 và sẽ không thay đổi  quyết định này.
Hồi năm 2017, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đã ký một thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD với Tổng thống Nga Vladimir Putin về “rồng lửa” S-400. Theo đó, Ankara sẽ nhận được 2 tiểu đoàn S-400 do phía Nga bàn giao. Ngoài ra, Nga cũng có nghĩa vụ chuyển giao từng phần công nghệ sản xuất thiết bị tên lửa phòng không tối tân này cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ từng dự kiến sẽ đưa các thiết bị này vào hoạt động trong tháng 4/2020. Dù việc kích hoạt các hệ thống S-400 đã bị trì hoãn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song Ankara đã tỏ rõ quyết tâm sẽ thực hiện kế hoạch này đến cùng.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm sở hữu các hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga đã trở thành nguồn cơn gây sóng gió trong quan hệ giữa nước này với Mỹ và nhiều nước thành viên trong khối NATO.
Cũng vì lý do này, Mỹ đã loại Ankara khỏi danh sách các nước tham gia chương trình phát triển máy bay ném bom F-35 thế hệ thứ 5, tạm dừng đơn đặt hàng 100 máy bay phản lực thế hệ mới của Thổ Nhĩ Kỳ và khởi động các thủ tục cần thiết để áp đặt trừng phạt lên Thổ Nhĩ Kỳ theo một đạo luật năm 2017 - vốn được đưa ra để ngăn cản các nước giao dịch vũ khí với Nga.
Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã chính thức áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 14/12/2020 liên quan đến việc nước này mua lại một hệ thống tên lửa S-400 của Nga./.