70 năm giải phóng Thủ đô

Mỹ “tố” Trung Quốc đưa chiến đấu cơ ra đảo Phú Lâm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quan chức Mỹ cho biết thêm, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa chiến đấu cơ J-11 và J-17 đến đảo Phú Lâm của Việt Nam sau khi mở rộng đường băng tại đây vào năm 2014.

Thông tin này được đưa ra khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị có chuyến làm việc cùng người đồng cấp phía Mỹ John Kerry tại Washington hôm 23/2.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam, nơi được cho là triển khai tên lửa của Trung Quốc.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam, nơi được giới chức Mỹ khẳng định Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa và điều chiến đấu cơ.
Tuần trước, Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa đất đối không tại đảo Phủ Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Hình ảnh vệ tinh ghi lại hôm 14/2 cho thấy vài khẩu đội tên lửa và các phương tiện hỗ trợ.
Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ năm 1974. Nước này thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Các phản ứng của Trung Quốc đến thời điểm này vẫn rất “mập mờ”. Giới chức nước này không bác bỏ cũng không thừa nhận thông tin này, mà chỉ khẳng định, các cơ sở quân sự đã tồn tại trên các đảo từ lâu, theo tờ Thời báo Hoàn cầu. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi thì cho rằng, việc triển khai cơ sở quân sự trong lãnh thổ là hợp lý. Đồng thời bác bỏ các cáo buộc đây là hành vi quân sự hóa. “Việc triển khai cơ sở quân sự nhằm mục đích tăng cường khả năng phòng thủ”, ông Hồng Lỗi nói.

Phản ứng trước việc Trung Quốc triển khai tên lửa ra đảo Phú Lâm, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm cho Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đồng thời gửi lên Liên Hợp Quốc. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. 

Ngoài Việt Nam và các nước có tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc, động thái này của Bắc Kinh cũng vấp phải sự lên án gay gắt của dư luận quốc tế. Mỹ cảnh báo Trung Quốc đang quân sự hoá Biển Đông, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, trong khi Nhật yêu cầu nước này giải thích rõ ràng về hành động điều tên lửa. Australia, New Zealand cũng đồng loạt kêu gọi Trung Quốc kiềm chế quân sự hoá Biển Đông.