Theo các quan chức cấp cao thì cả 60 người Nga bị trục xuất đều là điệp viên đang hoạt động ở Mỹ dưới vỏ bọc nhà ngoại giao, bao gồm hơn mười người đang làm nhiệm vụ tại Liên Hợp quốc. Ngoài ra, các quan chức cũng nói thêm rằng, Lãnh sự quán Nga ở Seattle là một mối lo ngại về vấn đề chống tình báo vì địa điểm của nơi này cũng ở gần căn cứ hải quân Mỹ.
Đây là động thái nằm trong loạt đòn trừng phạt của Mỹ và các nước châu Âu với Nga liên quan đến cáo buộc đầu độc cựu điệp viên ở Anh.
Các quan chức cho biết chính quyền Mỹ dùng hành động này để gửi thông điệp tới lãnh đạo Nga về số điệp viên tình báo “cao đến mức không chấp nhận được” ở Mỹ.
Những người bị trục xuất sẽ có 7 ngày để rời khỏi Mỹ.
Động thái này là một trong những hành động quan trọng nhất mà chính quyền Tổng thống Trump đã thực hiện cho tới nay để đáp lại Moscow và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chưa đầy một tuần trước ông Trump còn gửi lời chúc mừng qua điện thoại tới ông Putin về việc tái đắc cử nhưng lại không đề cập đến cáo buộc đầu độc cựu điệp viên.
Các hành động của Washington xuất hiện khi hơn nhiều quốc gia châu Âu dự kiến công bố các bước tương tự để trừng phạt Moscow.
Ba Lan, Đức và Lithuania đã xác nhận họ đang trục xuất các nhà ngoại giao Nga về vụ đầu độc cựu điệp viên.
Trước đó, Anh đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, dẫn đến việc Moscow đáp trả, trục xuất số nhà ngoại giao Anh tương tự. Liên minh châu Âu đã triệu hồi Đại sứ của khối này tại Nga.