70 năm giải phóng Thủ đô

Mỹ - Trung "to tiếng" về Biển Đông tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại cuộc họp hôm 9/8 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc về an ninh hàng hải, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chỉ trích hành vi "bắt nạt" của Bắc Kinh ở Biển Đông, trong khi Trung Quốc cáo buộc Mỹ là "mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và ổn định" của khu vực.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Reuters
Biển Đông đã trở thành một trong nhiều điểm nhấn trong mối quan hệ đầy mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ, khi Washington cực lực bác bỏ các yêu sách lãnh thổ trái pháp luật của Bắc Kinh ở vùng biển giàu tài nguyên này.
"Chúng ta đã chứng kiến ​​những cuộc chạm trán nguy hiểm giữa các tàu thuyền trên biển và hành động khiêu khích nhằm thúc đẩy các yêu sách hàng hải trái pháp luật tại Biển Đông", Ngoại trưởng Blinken phát biểu tại cuộc họp hôm 9/8 của Hội đồng Bảo an, cho biết thêm rằng Washington lo ngại về các hành động "đe dọa và bắt nạt các quốc gia khác tiếp cận hợp pháp các nguồn tài nguyên hàng hải của họ”.
Theo Reuters, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền chồng lên các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia và Philippines tại Biển Đông. Hàng nghìn tỷ USD thương mại hàng năm đang chảy qua tuyến đường thủy này, cũng là nơi có các ngư trường phong phú và các mỏ khí đốt.
Trong khi đó, Dai Bing - Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp quốc - lên tiếng cáo buộc Mỹ là "mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và ổn định ở Biển Đông", khi "tự ý đưa tàu và máy bay quân sự tiên tiến vào Biển Đông như một hành động khiêu khích và công khai nỗ lực lấn sân sang các nước trong khu vực".
Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố hôm 9/8: "Xung đột ở Biển Đông hay ở bất kỳ đại dương nào sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trên toàn cầu đối với an ninh và thương mại. Khi một quốc gia bỏ qua những quy tắc này mà không chịu hậu quả gì, họ sẽ thúc đẩy sự bất ổn lớn hơn ở khắp mọi nơi".
Từ đó, ông Blinken kêu gọi trách nhiệm của tất cả các quốc gia, không chỉ các nước có chủ quyền ở Biển Đông, trong việc bảo vệ các quy tắc mà họ đã đồng thuận để giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hòa bình.