Mỹ và Đài Loan phê trách WHO: Kích một đằng, nhằm một nẻo

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những ngày này, ở đâu đâu trên thế giới cũng có sự lo ngại về diễn biến và tác hại của dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra cũng như cuộc chiến sôi động và quyết liệt chống dịch bệnh này.

Ở Mỹ và Trung Quốc không chỉ có như thế mà còn hơn cả thế bởi Trung Quốc là nơi bùng phát dịch bệnh đầu tiên mà đến nay dịch bệnh vẫn chưa bị đẩy lùi, trong khi dịch bệnh lây lan và hoành hành ở Mỹ với diễn biến chưa tới đỉnh điểm. Cũng vào dịp dịch bệnh này, còn bùng phát cuộc xung khắc rất quyết liệt giữa một bên là Mỹ và Đài Loan với bên kia là Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WTO).
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 từ xe cứu thương vào một bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 6/4/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mỹ và Đài Loan có những động thái và phát biểu phê trách WHO rất nặng nề mà cụ thể là cáo buộc WHO đã không xử lý kịp thời và có trách nhiệm những thông tin đầu tiên có từ sớm về sự bùng phát của dịch bệnh ở Trung Quốc để từ đó đưa ra những cảnh báo kịp thời và rất sớm cho thế giới.
Mỹ và Đài Loan cho rằng, nếu WHO không chậm trễ và sai sót thì dịch bệnh không thể lây lan nhanh chóng và rộng khắp từ Trung Quốc ra thế giới bên ngoài như nó đã lây lan ra trong thời gian vừa qua.
Trong những cáo buộc của Mỹ còn có cả hàm ý cho rằng WHO đã quá thiên vị Trung Quốc và bao che Trung Quốc trong cả cách Trung Quốc đối phó dịch bệnh lẫn truyền thông của Trung Quốc về dịch bệnh này. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhân dịp Mỹ làm găng với WHO mà đề cập đến khả năng Mỹ sẽ ngừng đóng góp tài chính cho hoạt động của WHO.
Đài Loan phê trách WHO đã không coi trọng và xử lý kịp thời những thông tin mà Đài Loan đã cung cấp cho WHO về thời điểm dịch bệnh bùng phát. Thật ra ở đây, phía Mỹ và Đài Loan công kích một đằng nhưng nhằm vào đối tượng khác.
Trước khi khiêu chiến như thế với WHO, Mỹ đã xung khắc quyết liệt với Trung Quốc về một số chuyện liên quan đến dịch bệnh này. Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc gây ra dịch bệnh, che đậy thông tin đầy đủ và kịp thời về dịch bệnh, cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về việc dịch bệnh lây lan ra khắp thế giới.
Lập luận của Mỹ là Trung Quốc bưng bít thông tin về dịch bệnh nên thế giới bên ngoài Trung Quốc bị bất ngờ bởi dịch bệnh và Trung Quốc đối phó dịch bệnh kém hiệu quả nên dịch bệnh mới lây lan ra thế giới bên ngoài. Bây giờ, phía Mỹ tiến hành cuộc công kích nhằm vào WHO để phục vụ cho hai mục đích.
Thứ nhất, Mỹ cáo buộc và đổ trách nhiệm như thế cho WHO để từ đó có được bằng chứng về sự đúng đắn và tính xác thực của những cáo buộc và phê phán Trung Quốc.
Thứ hai, đổ lỗi, cùng trách nhiệm cho WHO và Trung Quốc là cách giúp ông Trump giảm bớt áp lực trong nội bộ nước Mỹ trước mức độ lây lan và hoành hành trầm trọng của dịch bệnh và trước thực tế là cách xử lý cuộc khủng hoảng này của ông Trump cho đến nay chưa được mấy thành công ở Mỹ.
Ông Trump muốn được tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống tới ở nước Mỹ mà dân Mỹ hiện lại hoài nghi ngày càng thêm nhiều về khả năng ông Trump có thể nhanh chóng dẫn dắt nước Mỹ và dân Mỹ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng dịch bệnh này.
Đài Loan phê phán WHO nhưng trong thực chất cũng nhằm vào Trung Quốc bởi vì sự phủ quyết của Trung Quốc mà Đài Loan vốn đã không được trở thành thành viên của WHO mà còn từ năm 2016 đến nay mất luôn cả quy chế quan sát viên ở WHO. Bằng cách tạo cảm nhận rằng Trung Quốc và WHO cùng hội cùng thuyền mà theo lập luận của Đài Loan lại còn cùng nhau để dịch bệnh lây lan ra khắp thế giới, Đài Loan chủ ý thể hiện sự độc lập với Trung Quốc, trách nhiệm với WHO và thế giới. Trung Quốc tận dụng dịp dịch bệnh này để thực thi cái gọi là "Ngoại giao khẩu trang" thì Đài Loan cũng tận dụng thời buổi dịch bệnh này để thực thi một chiến dịch ngoại giao đặc biệt.
Mỹ và Đài Loan hùa với nhau công kích WHO và Trung Quốc nên Trung Quốc và WHO cũng phải liên thủ với nhau để đối phó và phản công. Sau tất cả những gì đã xảy ra thì Trung Quốc bảo vệ và hậu thuẫn WHO cũng còn là bảo vệ chính mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần