Thành công của Trung Quốc trong việc làm trung gian hòa giải giữa Ả Rập và Iran như lời cảnh tỉnh đối với nước Mỹ khi tầm ảnh hưởng của Washington ở Trung Đông đang ngày càng suy yếu, theo hãng tin Reuters.
Vào hôm 23/3, Ngoại trưởng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Faisal bin Farhan đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran Hossein Amir-Abdollahian sau một vài thỏa thuận chung gần đây.
Việc hai quốc gia Trung Đông này nối lại quan hệ, trong đó Trung Quốc đóng vai trò then chốt, đã góp phần không nhỏ giúp “quốc gia tỷ dân” lật ngược thế cờ trong cuộc cạnh tranh tầm ảnh hưởng lên khu vực này với Mỹ.
Nước Mỹ dường như thực sự "choáng váng" trước những thay đổi đột ngột ở Ả Rập và Iran – 2 quốc gia từng là đối thủ của nhau hàng thập kỷ qua.
Đối với Mỹ, Ả Rập luôn là một đối tác quan trọng ở Trung Đông và chính quyền của Tổng thống Joe Biden chắc hẳn sẽ thất vọng trước việc quốc gia này ngả về phía Bắc Kinh. Nhưng nếu theo chiều ngược lại, Washington được cho là bên đầu tiên phá vỡ mối quan hệ song phương này.
Năm 2003, Mỹ tấn công Iraq bất chấp sự phản đối mạnh mẽ trong khu vực. Sau đó, giống như dự đoán, nỗ lực kiến thiết quốc gia của Mỹ ở đó đã thất bại và cuối cùng buộc phải rút quân mà không giải quyết được bất cứ điều gì.
Không chỉ vậy, trong các cuộc biểu tình Mùa xuân Ả Rập vào những năm 2010, Washington đã bỏ mặc chính quyền Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ mà không can thiệp khi Tổng thống Barack Obama tuyên bố Mỹ không có nghĩa vụ duy trì trật tự thế giới.
Rồi rạn nứt tiếp tục xuất hiện khi Mỹ chọn “bàng quan” trước việc các cơ sở dầu mỏ của Ả Rập bị hư hại vào năm 2019 do một cuộc tấn công được cho là của Iran, dẫn đến tình trạng gián đoạn nguồn cung dầu mỏ ở nước này.
Liên minh Mỹ-Ả Rập bắt đầu bằng lời hứa của Tổng thống Franklin D. Roosevelt sẽ bảo vệ Ả Rập vào năm 1945 để đổi lấy việc tiếp tục được cung cấp dầu mỏ. Tuy nhiên, những mâu thuẫn gần đây đã làm dấy lên lo ngại rằng liệu Washington có còn tuân thủ thỏa thuận hay không.
Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng tiến gần hơn các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt. Bắc Kinh đã có những bước tiến trong việc khai thác petroyuan-được sử dụng trong giao dịch dầu mỏ - khi mà quốc gia tỷ dân nhìn thấy cơ hội trong các mỏ khoáng sản của Iran.
Iran cho biết trong tháng này họ đã phát hiện ra các mỏ lithium - một thành phần không thể thiếu trong pin của điện thoại thông minh và ô tô điện - ở phía tây bắc của lãnh thổ ước tính tổng cộng 8,5 triệu tấn.
Rất có thể Trung Quốc sẽ tập trung vào các nguồn tài nguyên khác nữa ở Trung Đông.
Không như Mỹ khi mà chính sách đối với Trung Đông thay đổi qua mỗi kỳ tổng thống, Trung Quốc luôn duy trì cách tiếp cận nhất quán và có chiến lược đối với khu vực này.
Mỹ vẫn chiếm ưu thế
Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa mất hẳn ưu thế của mình ở Trung Đông
Michael Singh, giám đốc điều hành của Viện Washington về Chính sách Cận Đông cho biết việc Ả Rập chấp nhận Trung Quốc làm trung gian chỉ là một chiến lược nhằm phòng ngừa rủi ro.
Ông cho biết: Người Ả Rập muốn hàn gắn quan hệ với Mỹ, nhưng cũng cần phải được bảo vệ nếu điều đó không thành công.
Trả lời phỏng vấn Nikkei Asia, ông Camille Lons, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết: “Ả Rập đang gửi một thông điệp tới Mỹ, vài ngày trước lễ kỷ niệm 20 năm ngày Mỹ tấn công Iraq".
Iran cũng hy vọng ông Biden trở lại bàn đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 bị đình trệ và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ và tài chính của Tehran.
Thêm vào đó, việc suy yếu tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực có ý nghĩa chính trị quan trọng như Trung Đông này có thể được bù đắp bởi các đồng minh đáng tin cậy như Nhật Bản hay châu Âu.