Sau chính biến ở thủ đô Naypidaw vào đầu tháng 2 năm nay, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã và đang nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt bạo lực tại Myanmar - nơi hàng trăm người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chống chính quyền quân đội, và mở ra một cuộc đối thoại giữa các nhà cầm quyền quân sự với các đối thủ của họ.
Đặc phái viên ASEAN Erywan Yusof đã đề xuất lệnh ngừng bắn trong một cuộc họp trực tuyến với Ngoại trưởng Myanmar Wunna Maung Lwin.
"Đây không phải là lệnh ngừng bắn chính trị. Đây là lệnh ngừng bắn nhằm đảm bảo an toàn, an ninh cho các nhân viên nhân đạo trong nỗ lực phân phối viện trợ một cách an toàn", ông Erywan cho biết trong một thông báo hôm 5/9.
Theo đặc phái viên Erywan, chính quyền quân sự Myanmar "không có bất kỳ sự bất đồng nào" với những gì ông đã đề xuất liên quan đến lệnh ngừng bắn. Ông Erywan cũng đã gián tiếp thông qua đề xuất của mình cho các nhóm, đảng chống lại quân đội tại Myanmar.
Ông cho biết thêm rằng, tính đến nay, các quốc gia ASEAN và các đối tác đối thoại đã cam kết viện trợ hơn 8 triệu USD cho Myanmar.
Hôm 4/9, ông Erywan nói rằng ông vẫn đang đàm phán với quân đội về các điều khoản của chuyến thăm Myanmar mà ông hy vọng có thể thực hiện trước khi kết thúc tháng 10, đồng thời tìm cách tiếp cận nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi.
Quân đội đã nắm quyền tại Myanmar sau khi thực hiện đảo chính vào ngày 1/2, với lý do rằng đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi đã gian lận trong cuộc bầu cử hồi năm ngoái. Các nhà giám sát quốc tế và ủy ban bầu cử Myanmar vào thời điểm đó cho biết, những cáo buộc của quân đội là không có căn cứ.