Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Bộ Khách sạn và Du lịch Htay Aung cho biết chính phủ đang đặt cược vào các thỏa thuận du lịch với các nước như Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Ông cho biết, việc dỡ bỏ lệnh cấm đi lại giữa các tỉnh vào một loạt các ngày lễ truyền thống gần đây đã thúc đẩy một số người dân địa phương đi nghỉ mát.
Khách du lịch nước ngoài khó có khả năng quay trở lại với số lượng lớn các ngôi chùa và bãi biển của Myanmar, do đất nước vẫn chứng kiến các cuộc đụng độ lẻ tẻ giữa lực lượng an ninh và các nhóm phản đối sự tiếp quản của quân đội hồi tháng 2.
Trong một diễn biến liên quan, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cuối tuần qua đã quyết định không mời nhà lãnh đạo quân đội Min Aung Hlaing tới hội nghị thượng đỉnh khu vực của khối vào cuối tháng này.
Theo Bộ trưởng Htay Aung, Myanmar dự kiến đón khoảng 300.000 du khách trong giai đoạn đầu mở cửa trở lại. Sau đó, Myanmar sẽ tiếp tục mở cửa cho du khách từ Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, ông nói thêm.
“Chúng tôi đang chuẩn bị cho các thỏa thuận cần thiết về hợp tác du lịch với Thái Lan và sẵn sàng khi họ liên hệ với chúng tôi thông qua một kênh chính thức,” ông nói. “Chúng tôi cũng đặt mục tiêu mở cửa trở lại với du khách từ Campuchia, Lào, Việt Nam vào quý đầu năm 2022.”
Mục tiêu là mở cửa trước tiên là các du khách Thái có thể đến thăm các điểm du lịch nổi tiếng trong và xung quanh Kawthoung, Myeik, Dawei, Tachileik và Kyaington một cách an toàn, Htay Aung nói. Tuần trước, Thái Lan đã công bố kế hoạch bỏ cách ly đối với những du khách đã được tiêm phòng đầy đủ từ một số quốc gia bắt đầu từ ngày 1/11 trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch.
Myanmar giáp biên giới với 5 quốc gia - Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Lào – hiện vẫn bị áp đặt lệnh cấm đối với các chuyến bay thương mại quốc tế sau chính biến hồi tháng 2.
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), nền kinh tế Myanmar có khả năng suy giảm 18,4% trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/9 và không đưa ra dự báo cho năm tài chính 2022 do “tình hình không chắc chắn”. Du lịch đóng góp khoảng 6% tổng sản phẩm quốc nội của Myanmar vào năm 2019 trước đại dịch, theo Hội đồng Du lịch & Lữ hành Thế giới.