Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Myanmar - Kỳ vọng thay đổi vận mệnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc bầu cử lịch sử tại Myanmar đã kết thúc hôm 8/11 với chiến thắng thuyết phục của...

Kinhtedothi - Cuộc bầu cử lịch sử tại Myanmar đã kết thúc hôm 8/11 với chiến thắng thuyết phục của đảng đối lập  Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi trước Đảng Đoàn kết phát triển liên bang (USDP) cầm quyền. Kết quả chính thức của cuộc bầu cử  dự kiến được công bố từ cuối ngày 9 - 15/11.

Dấu mốc lớn

Myanmar bắt đầu cuộc cải cách chính trị, nhằm chuyển biến từ chính quyền quân sự sang chính quyền dân sự kể từ năm 2011. Là cuộc Tổng tuyển cử tự do trên toàn quốc đầu tiên ở quốc gia này trong vòng 25 năm qua, đây chính là kết quả nhãn tiền của cuộc cải cách chính trị nói trên. Theo đó, mở ra một cánh cửa giúp Myanmar trở thành một quốc gia dân chủ từ chỗ nằm dưới sự lãnh đạo của chính quyền quân đội.
Cử tri Myanmar kỳ vọng mạnh mẽ vào cuộc bầu cử Quốc hội.
Cử tri Myanmar kỳ vọng mạnh mẽ vào cuộc bầu cử Quốc hội.
Là một dấu hiệu tích cực trên con đường vươn tới ước mơ dân chủ hóa của Myanmar kể từ năm 1990, sự kiện này được Washington hoan nghênh. Trước đó, Phó cố vấn an ninh quốc gia Tổng thống Mỹ - Ben Rhodes từng cho rằng, cuộc bầu cử là cột mốc quyết định khả năng bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, bao gồm việc dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận. Nếu tiến trình dân chủ của Myanmar tiếp tục tiến bước, Mỹ thậm chí sẽ cân nhắc khả năng ủng hộ và thúc đẩy hơn nữa đầu tư tại nước này.

Để tham gia cuộc bầu cử lịch sử, hàng trăm công dân Myanmar đang sống tại Singapore đã bay về nước để tự tay bỏ lá phiếu, vì muốn tận mắt trông thấy những biến chuyển lớn tại đất nước mình.

Sóng gió còn dài

Một thời kỳ mới khó đoán định vẫn đang chờ Myanmar sau cuộc bầu cử bởi những chồng chéo và mâu thuẫn trong bài toán quyền lực.

Dù đảng của bà Suu Kyi được tin tưởng là sẽ giành chiến thắng, vẫn chưa rõ liệu chính trị gia 70 tuổi này có chịu chia sẻ quyền lực với lực lượng quân đội vẫn đang giữ nhiều vị trí quan trọng trong bộ máy chính trị. Theo quy định của Hiến pháp, quân đội Myanmar được đảm bảo các vị trí chủ chốt trong Quốc hội, theo đó, 25% số ghế trong Quốc hội sẽ thuộc về các thành viên quân đội. Và cho dù NLD giành 75% trong số đó - tỷ lệ cần thiết để thành lập Chính phủ mới - thì bà Suu Kyi cũng không thể trở thành Tổng thống. Vị trí này vẫn sẽ do một nhân vật quân đội đảm nhiệm.

Chính quyền dân sự của bà nếu được thiết lập cũng sẽ ở thế đối đầu với quân đội, vốn nắm quyền bổ nhiệm Bộ trưởng các bộ quan trọng là Quốc phòng, Nội vụ và các vấn đề biên giới cũng như quyền chuẩn thuận việc sửa đổi hiến pháp, và có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế nước này thông qua các DN dưới tầm kiểm soát.

Giữa lúc một loạt nhóm vũ trang đang gia tăng hoạt động, tình trạng đòi tự trị ngày càng tăng, nạn tham nhũng, những bất ổn chính trị chưa dứt sau cuộc tổng tuyển cử này có thể trở thành cơ hội để các nước lớn can thiệp và vươn tầm ảnh hưởng.

Do đó, cuộc bầu cử này mới chỉ là “kết thúc để khởi đầu” một hành trình đầy chông gai nhằm thực hiện giấc mơ đổi thay vận mệnh dân tộc của người dân Myanmar.