70 năm giải phóng Thủ đô

Năm 2009: Hơn 11.000 người bị chết do tai nạn giao thông

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, năm qua cả nước đã xảy ra 12.492 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 11.516 người, bị thương 7.914 người; so với năm 2008 giảm 390 vụ (-3,0%), giảm 78 người chết (-0,7%), giảm 152 người bị thương (-1,9%).

KTĐT - Theo Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, năm qua cả nước đã xảy ra 12.492 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 11.516 người, bị thương 7.914 người; so với năm 2008 giảm 390 vụ (-3,0%), giảm 78 người chết (-0,7%), giảm 152 người bị thương (-1,9%).


Năm 2009 có 33 tỉnh, thành phố giảm số người chết vì TNGT, trong đó có 21 địa phương giảm trên 5%. Đặc biệt, có 5 địa phương giảm hơn 20% số người chết so với năm 2008 là: Cao Bằng, Quảng Ninh, Tây Ninh, Ninh Thuận, Lâm Đồng. 31 tỉnh, thành phố tăng số người chết, trong đó 7 địa phương tăng trên 25% là: Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, Thanh Hóa.

Chính vì vậy, chỉ tiêu giảm 5% số người chết do TNGT trong năm 2009 chưa thực hiện được. Trong năm còn xảy ra 141 vụ TNGT đường bộ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 439 người, bị thương 456 người, so với năm 2008 tăng 11 vụ, tăng 45 người chết, giảm 21 người bị thương. Đáng chú ý, xảy ra 30 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do xe khách gây ra, làm chết 121 người, bị thương 288 người, trong đó 80% là xe khách tư nhân, xe của các hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải nhỏ không có thương hiệu.

Cùng đó, tại Hà Nội và TP HCM, một số điểm ùn tắc giao thông chậm được khắc phục, diễn biến còn phức tạp nhất là vào giờ cao điểm. Theo thống kê, năm qua xảy ra 252 vụ ùn tắc giao thông kéo dài hơn 1 giờ, tăng 111 vụ (78,7%) so với năm 2008, trong đó Hà Nội xảy ra 101 vụ, TP HCM xảy ra 78 vụ, Quảng Ninh 28 vụ, Đồng Nai 13 vụ...

Quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy thực hiện chưa tốt ở vùng nông thôn, buổi tối ở đô thị; trẻ em ngồi trên môtô, xe gắn máy không đội MBH còn phổ biến. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ATGT chưa đi vào chiều sâu, chưa thường xuyên, nhất là đối với thanh niên, người dân ở vùng nông thôn. Đặc biệt, tại một số địa phương, tình trạng tái lấn chiếm tại những điểm đã giải tỏa cũng đang có xu hướng tăng trở lại.

Tại Hội nghị an toàn giao thông giao thông toàn quốc tổ chức vào ngày 12/1 tại Hà Nội, nhiều địa phương đã phản ảnh do tình trạng tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông gây ra ùn tắc nặng nề tại các thành phố lớn gia tăng.

Do đó, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo trong năm 2010, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, hình thành “văn hoá giao thông” bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực sát với tình hình từng địa phương; các lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm.

Về công tác tuyên truyền, PTT nhắc nhở Ủy ban An toàn giao thông phải sáng tạo trong khâu tuyên truyền sao cho có hiệu quả, “lấy những đoạn đường không thấy bóng dáng CSGT mà dân vẫn chấp hành, vẫn ý thức để làm thước đo, khi đó mới cho thấy công tác tuyên truyền đạt hiệu quả”.

Về ưu tiên xóa các điểm đen” tai nạn giao thông, PTT “thúc” các địa phương đề xuất cơ chế đặc thù, chính phủ sẽ ưu tiên giải quyết. Bởi con số người chết, bị thương chỉ giảm 1,9 và 0,7% là còn quá xa con số 5% mà Chính Phủ mong muốn.