KTĐT - Những nguyên nhân chủ yếu là do giá bất động sản giảm mạnh, nền kinh tế vẫn còn yếu và quyết định cho vay tiền chưa phát huy hiệu quả.
Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) Mỹ cho biết trong năm 2010, số ngân hàng ở Mỹ bị đóng cửa lên tới 157 ngân hàng, mức cao kỷ lục kể từ sau cuộc khủng hoảng tín dụng và tiền gửi tiết kiệm năm 1992.
Những nguyên nhân chủ yếu là do giá bất động sản giảm mạnh, nền kinh tế vẫn còn yếu và quyết định cho vay tiền chưa phát huy hiệu quả.
Trong năm 2010, một số ngân hàng lớn của Mỹ đã hồi phục sau khi nhận được tiền hỗ trợ của chính phủ và bắt đầu làm ăn có lãi, phần lớn nhờ vào chính sách lãi suất gần bằng 0% do Cục Dự trữ Liên bang (FED) áp dụng.
Tuy nhiên, rất nhiều ngân hàng nhỏ sụp đổ do không huy động được thêm vốn, song lại phải đương đầu với khoản lỗ ngày càng nhiều do khách hàng không trả được tiền vay. Các ngân hàng bị đóng cửa trong năm 2010 có tổng giá trị tài sản vượt 92 tỷ USD khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC giảm gần 26 tỷ USD.
Trong số các ngân hàng bị giải thể trong năm qua, 19 ngân hàng có tài sản trên 1 tỷ USD/ngân hàng và ngân hàng lớn nhất trong số đó là Westernbank của Mỹ tại Puerto Rico với tài sản trị giá 10,8 tỷ USD.
Trong ba năm trở lại đây, đã có 322 ngân hàng Mỹ, với tổng tài sản trị giá 633 tỷ USD, bị đóng cửa. FDIC đã phải thanh toán gần 80 tỷ USD bảo hiểm tiền gửi cho khách hàng của các ngân hàng này./.