Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2015, Hà Nội giảm thất thoát nước sạch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do nguồn nước ngầm suy giảm, đường ống cấp nước sạch số 2 từ sông Đà về Hà Nội chưa thi công xong nên từ nay đến đầu năm 2015 lượng nước sạch cấp cho người dân Hà Nội sẽ thiếu hụt.

Do đó, yêu cầu Sở Xây dựng, các công ty nước sạch cần có ngay giải pháp để có đủ nguồn nước sạch cấp cho người dân. Đây là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng tại buổi làm việc với các sở, ngành, đơn vị cấp nước của TP.

Thiếu 25.000 - 30.000m3 mỗi ngày

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội Nguyễn Bảo Vinh cho biết, hiện công ty đang quản lý, vận hành 12 nhà máy, 10 trạm cấp nước với tổng lượng nước sản xuất và cấp vào mạng là 620.000m3/ngày, đêm. Cùng với đó, mỗi ngày công ty tiếp nhận 35.000 - 40.000m3 nước từ Nhà máy nước sông Đà. Vùng cấp nước của công ty gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Long Biên, Hoàng Mai, Cầu Giấy và các huyện thuộc Hà Nội cũ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây do suy giảm nguồn nước ngầm, trong khi đó, lượng khách hàng dùng nước liên tục tăng nên dẫn đến thiếu hụt về nguồn nước cấp cho người dân Thủ đô. Thông kê cho thấy, lượng nước thiếu hụt vào khoảng 25.000m3/ngày, đêm, cao điểm có thể lên tới 40.000 - 60.000m3/ngày, đêm. Dự báo trong năm 2015, một số khu vực tại quận Hoàng Mai, Đống Đa, Cầu Giấy sẽ thiếu nước sạch.

 
Sản xuất nước sạch tại Nhà máy nước sạch Hà Nội.
Sản xuất nước sạch tại Nhà máy nước sạch Hà Nội.
Để khắc phục tình trạng thiếu nước sạch này, công ty đã xây dựng trạm cấp nước Đông Mỹ công suất 10.000m3/ngày, đêm; Phục hồi công suất Nhà máy nước Bắc Thăng Long - Vân Trì 50.000m3/ngày, đêm; khoan thay thế các giếng để chống suy thoái; tiếp tục giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch thêm khoảng 2% (hiện tỷ lệ thất thoát nước sạch là 23%), do đó sẽ bù lại khoảng 70.000 - 75.000m3/ngày, đêm. Tuy nhiên, trong những thời điểm nhất định, do chất lượng nước nguồn không ổn định cũng ảnh hưởng đến chất lượng cấp nước.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Việt - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco) hiện đơn vị đang cấp nước cho hơn 120.000 khách hàng tại các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và một phần quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, với lượng nước bình quân khoảng 200.000m3/ngày, đêm. Tuy nhiên, do nguồn chủ yếu dự án là Nhà máy nước sông Đà nên khi nhu cầu sử dụng nước sạch tăng cao sẽ khó đáp ứng được. Nguyên nhân là do đường ống cấp nước sông Đà chỉ cấp được 220.000 - 260.000m3/ngày, đêm và không thể tăng thêm.

Giảm thất thoát nước sạch

Trước dự báo khó khăn về nguồn cấp nước sạch, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, trong khi chưa có các nhà máy nước mặt, thì nguồn cấp nước Hà Nội trong các năm tới vẫn chỉ là nước ngầm, vì vậy, phải khai thác, sử dụng nguồn này một cách hiệu quả nhất. Một trong những vấn đề cần làm ngay đó là giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch, bởi với tỷ lệ thất thoát lên đến 23% thì quá lãng phí. Do đó, Phó Chủ tịch yêu cầu phải làm rõ nguyên nhân thất thoát nằm ở đâu? Theo ông Trịnh Kim Giang - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội, thất thoát chủ yếu nằm ở ống dịch vụ bao gồm cả việc người dân dùng nhưng không thu được tiền hoặc đấu nối trộm để ăn cắp nước. Tình trạng thất thoát chủ yếu tại các khu vực có mạng đường ống cũ. "Chỉ cần giảm được 5% lượng nước thất thoát là bằng công suất một nhà máy sản xuất nước, vì vậy yêu cầu các công ty cấp nước trong thời gian tới phải tập trung kiểm tra, rà soát chống thất thoát nước sạch" - Phó Chủ tịch yêu cầu.

Đi đôi với chống thất thu nước sạch, tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng yêu cầu Tổng Công ty Vinaconex khẩn trương hoàn tất các thủ tục để trong tháng 12/2014 khởi công xây dựng tuyến ống số 2 cấp nước từ sông Đà về Hà Nội và đến 30/4/2015 phải hoàn thành để đảm bảo cấp đủ 270.000m3/ngày, đêm về Thủ đô. "Vinaconex phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và người dân Thủ đô nếu không hoàn thành mục tiêu này"- Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng nói. Bên cạnh đó, để có đủ nguồn nước cấp cho dân, trong năm 2015, tạm dừng triển khai các dự án phát triển mạng cấp nước mới. Nguồn có đến đâu mới phát triển mạng đến đó.

Về lâu dài, Phó Chủ tịch yêu cầu Sở KH&ĐT trong tháng 11 trình UBND TP Dự án xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng, trong đó giao Công ty Nước sạch Hà Nội làm công tác chuẩn bị đầu tư. Bởi tổng mức đầu tư dự án lên tới  4.800 tỷ đồng, nên khi có quyết định đầu tư mới có thể kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn vào xây dựng nhà máy.