Năm 2015, thông xe toàn bộ mặt cắt đường Văn Cao - Hồ Tây

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyến đường Văn Cao - Hồ Tây được đưa vào khai thác tạm từ năm 2010, nhưng đến nay, vẫn còn khoảng 159 hộ dân và một cơ quan chưa GPMB.

Sau 3 năm không được bố trí vốn, năm nay, TP yêu cầu Sở GTVT và quận Tây Hồ tập trung giải quyết các tồn tại để thông xe 1/2 mặt cắt còn lại của dự án. Cụ thể, UBND TP Hà Nội yêu cầu trong năm 2015, tập trung GPMB dứt điểm 79 phương án (32 phương án thuộc nhánh C và 47 phương án thuộc khu tập thể Bảo tàng Hồ Chí Minh để thi công hoàn thiện đủ mặt cắt theo thiết kế đoạn từ Văn Cao đến Thụy Khuê và thông tuyến nhánh C). Đối với việc GPMB 32 phương án thuộc nhánh C, giao Ban Chỉ đạo GPMB TP chủ trì, phối họp với các Sở TN&MT, GTVT, UBND quận Tây Hồ và đơn vị liên quan xem xét, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách theo quy định; đề xuất, báo cáo UBND TP các vấn đề vượt quá thẩm quyền.

Theo Sở GTVT, khó khăn lớn nhất hiện nay là sự chênh lệch giá đền bù giữa các hộ dân đã phê duyệt phương án từ những năm trước với các hộ dân chưa phê duyệt phương án. Để giải quyết khó khăn này, UBND TP cho phép đối với 28 hộ dân thuộc tuyến nhánh từ đường Văn Cao lên dốc Tam Đa đã phê duyệt phương án đền bù những năm trước, nhưng còn khiếu kiện, được áp dụng cơ chế hỗ trợ thêm; 4 hộ dân còn lại chưa phê duyệt phương án, sẽ áp dụng theo giá mới. Đối với 47 hộ dân thuộc khu tập thể Bảo tàng Hồ Chí Minh, giao quận Tây Hồ, Ban Chỉ đạo GPMB TP và Sở TN&MT tổ chức rà soát lại toàn bộ hồ sơ, thủ tục liên quan đến công tác quản lý, nguồn gốc đất đai để có phương án xử lý, giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc theo quy định, để có thể thi công thông 1/2 mặt cắt đoạn từ Văn Cao đi Thụy Khuê và khớp nối với nhánh đi dốc Tam Đa. Đối với 81 hộ thuộc khu tập thể Bộ Tư lệnh Công binh, tạm thời dự án chưa được bố trí vốn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần