Năm 2015 và 4 nhóm nhiệm vụ lớn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Năm 2014, cả nước đã đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Đảng và Quốc hội đã đề ra cho năm 2014, 13/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Kết quả này là tiền đề quan trọng tạo điều kiện thuận lợi để chúng ta hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu mà Quốc hội giao cho năm 2015”.

Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương tổ chức ngày 29/12.
Năm 2015 và 4 nhóm nhiệm vụ lớn - Ảnh 1
Quang cảnh Hội nghị Chính phủ với các địa phương đầu cầu Hà Nội.
Nhấn mạnh, năm 2015 là năm cuối của Kế hoạch 5 năm (2011-2015), là năm có nhiều sự kiện lớn, là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, Thủ tướng nêu nõ, năm 2015 đặt ra 4 nhóm nhiệm vụ lớn phải tập trung thực hiện thắng lợi.
“Có giữ được chủ quyền quốc gia, môi trường hòa bình ổn định mới phát triển được kinh tế - xã hội đất nước. Đây là vấn đề còn nhiều thách thức, phải ngày đêm chăm lo, không được lơ là, chủ quan”. (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng)

Trong đó, ưu tiên hàng đầu là thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp đến là phải giữ được chủ quyền quốc gia, đồng thời giữ được môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Tăng cường đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, tạo sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước với tinh thần “ngoại lực quan trọng không kém nội lực”. Và nhiệm vụ cuối cùng là tiến hành thành công Đại hội Đảng các cấp.

Đại diện cho đầu cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định nhất trí cao với các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ. Trong năm 2014 mặc dù gặp nhiều khó khăn và thách thức nhưng kinh tế của Hà Nội vẫn ổn định và phát triển.

Để tạo động lực phát triển cho Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, lãnh đạo Hà Nội kiến nghị: “Tới đây cần nghiên cứu đưa ra cơ chế chính sách thông thoáng hơn để cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh thu hút xã hội hóa để tăng nguồn lực đầu tư. Phải rà soát lại cơ chế chính sách về lãi suất, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn lực… để môi trường kinh doanh thông thoáng hơn nữa”. Hà Nội đề xuất Chính phủ nâng mức đầu tư công trong cân đối ngân sách để thúc đẩy phát triển, riêng với Hà Nội cần nâng mức huy động cho đầu tư công lên 1,5 lần so với hạn mức đầu tư công hàng năm,

Về cải cách hành chính, lãnh đạo Hà Nội cho rằng cần tăng cường phân cấp quyền hạn trách nhiệm, nhất là trung ương và địa phương. Hiện phân cấp chưa mạnh nên tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của địa phương còn hạn chế. Cũng trong Hội nghị trực tuyến, Hà Nội chính thức đề nghị Chính phủ cho phép Hà Nội thành lập Trung tâm đầu tư xúc tiến phát triển thương mại du lịch; đồng thời, tách Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành Sở Văn hóa Thể thao và Sở Du lịch.

Ở đầu cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết, TP.HCM cơ bản nhất trí với nhóm giải pháp chủ yếu của Chính phủ chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Lãnh đạo TP.HCM kiến nghị: “Chính phủ chỉ đạo xây dựng khung pháp lý Vùng bởi vì thực tế hiện nay đã xuất hiện một số vấn đề liên vùng như quy hoạch, vệ sinh ATTP, phòng chống tội phạm… ngoài phạm vi chỉ đạo, điều hành của một tỉnh, thành”.

Cũng theo ông Quân, năm 2015, Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của khu vực và thế giới, vì vậy, Chính phủ cần cung cấp thông tin, ban hành chính sách, hướng dẫn cho các địa phương chủ động tham gia quá trình hội nhập vào khu vực và thế giới. Năm 2015 cũng là năm nhiều bộ luật mới hoặc sửa đổi bổ sung sẽ bắt đầu có hiệu lực, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ - ngành liên quan soạn thảo và ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn kịp thời để đưa luật đi vào cuộc sống.

Liên quan đến phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, TP.HCM kiến nghị Chính phủ cần xem phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là khâu đột phá, nghiên cứu và đề xuất Quốc hội ban hành luật về ngành công nghiệp này.

Các ý kiến từ đầu cầu Đồng Nai, Thanh Hóa, Quảng Ninh… tiếp tục tập trung làm rõ những kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động điều hành quản lý của địa phương và các Bộ ngành, đặc biệt đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ nhằm thực hiện thắng lợi 4 nhóm nhiệm vụ lớn mà Thủ tướng đã nêu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần