KTĐT - Ngày 20/4, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã làm việc với Ban dự án (DA) Đường sắt đô thị Hà Nội (HRB) về tình hình triển khai dự án các tuyến đường sắt (ĐS) đô thị. Lãnh đạo một số sở, ngành tham dự.
Theo Giám đốc HRB Phạm Tuấn Sơn, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho TP xây dựng 5 tuyến đường sắt ngầm, nổi từ ngoại thành vào nội đô. Trong đó, UBND TP đã phê duyệt Dự án tuyến ĐS thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3), có tổng chiều dài 12,5 km, trong đó 8,5 km đi nổi; 4 km chạy ngầm, với 12 ga ngầm nổi, giao Ban HRB làm chủ đầu tư; đơn vị tư vấn thực hiện DA là Cty Tư vấn SYSTRA (Cộng hòa Pháp) và khởi công vào tháng 9/2010. Trong số 9 gói thầu, đến nay, gói thầu số 4 về công trình hạ tầng kỹ thuật Đềpô đã cơ bản xong các công trình phụ trợ. Dự kiến gói thầu số 5 về các công trình kiến trúc đềpô sẽ khởi công vào quý IV/2011. Gói thầu số 1 tuyến đoạn trên cao và gói thầu số 2 các ga trên cao khởi công vào quý II/2012. Tương tự, các gói thầu xây lắp thiết bị số 3,6,7,8,9 đã phát hành hồ sơ mời thầu, dự kiến quý III/2011 sẽ chọn được nhà thầu tư vấn. Hiện, huyện Từ Liêm đang GPMB giai đoạn II, việc di dời công trình kỹ thuật ngầm nổi đã tiến hành, có thể thi công 8,5 km (đoạn Cầu Diễn - Nhổn).
Cũng theo ông Phạm Tuấn Sơn, đơn vị tư vấn Systra báo cáo tổng mức đầu tư tăng khoảng 1,5 - 1,7 lần so với mức đầu tư được duyệt… Trong 5 tuyến ĐS có tuyến Bộ GTVT thực hiện có nguồn vốn huy động từ 4 nhà tài trợ, đến từ Nhật Bản, Trung Quốc… Do nước nào có vốn ODA cũng muốn đưa thiết bị, công nghệ của họ vào sử dụng…, điều này đã nảy sinh khó khăn về quy chuẩn khớp nối kỹ thuật các tuyến ĐS, cũng như trong khai thác, quản lý, duy tu, bảo hành… khi đưa vào sử dụng.
DA tuyến ĐS đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, dài 11,5 km, trong đó khoảng 8,5 km đi ngầm và 3 km đi trên cao, gồm 10 ga, (7 ga đi ngầm và 3 ga trên cao), 1 trạm bảo dưỡng, sửa chữa tại xã Xuân Đỉnh (Từ Liêm). Tổng mức đầu tư dự án là 19.556 tỷ đồng, bằngnguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản. Dự kiến giai đoạn 2012 - 2013 dự án xong phần thiết kế kỹ thuật và đấu thầu, năm 2013 sẽ thi công thiết kế, lắp đặt và hoàn thành vào cuối năm 2017.
Sau khi nghe ý kiến các sở, ngành, Chủ tịch TP Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh đây là chuỗi công trình hệ thống giao thông quan trọng, liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của TP. Chủ tịch giao cho Ban HRB phối hợp với các sở, ngành làm việc với tư vấn Systra xây dựng hợp đồng kinh tế, có kế hoạch, tiến độ cụ thể từng hạng mục và chốt thời gian hoàn thành. Sở QH-KT có trách nhiệm giám sát thiết kế các depo, nhà ga... ; hỗ trợ giúp đỡ xác định chỉ giới đường đỏ các hạng mục liên quan. Sở GTVT xây dựng và ban hành quy chuẩn về kỹ thuật thiết kế, thiết bị…, cùng các cơ quan nghiên cứu kỹ thuật, về các yếu tố chấn động địa chấn khi xây dựng các tuyến ngầm, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các công trình; xây dựng cơ chế tổ chức khai thác, vận hành,… làm cơ sở pháp lý quản lý khi đưa vào sử dụng. Sở TN-MT và Ban GPMB TP phối hợp cùng các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB những DA đã phê duyệt; tiến hành xây dựng phương án hỗ trợ, bồi thường khi GPMB nơi DA đi qua; Sở KH-ĐT chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và chủ đầu tư bỗ trí nguồn vốn để đáp ứng tiến độ các hạng mục triển khai...
Chủ tịch yêu cầu, đối với các DA đã phê duyệt cần tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ; nơi nào đã bàn giao mặt bằng, yêu cầu đơn vị thi công tập trung thực hiện. Trong đó, quý IV/2012 thực hiện xong các thủ tục đấu thầu mua sắm thiết bị, triển khai xây dựng, phấn đấu năm 2016 tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sẽ được thông tuyến. Tương tự năm 2017, hoàn thành tuyến đường sắt số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, và sau đó thực hiện những tuyến còn lại.