Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2018, Hà Nội tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội trình bày tại Kỳ họp thứ 5- HĐND TP Hà Nội khóa XV sáng 4/12 cho biết, năm 2018, UBND TP Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018
Để thực hiện mục tiêu này, UBND TP Hà Nội đã đặt ra các nhiệm vụ cụ thể gồm tập trung khuyến khích hỗ trợ thúc đẩy thành lập doanh nghiệp. Đẩy mạnh thu hút, thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, dự án đầu tư nước ngoài; Tập trung triển khai các dự án đầu tư XDCB ngay từ đầu năm, đặc biệt là các dự án trọng điểm.

Về chỉ đạo, điều hành, năm 2018, UBND TP Hà Nội tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, kinh nghiệm đã có, các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt, đi sâu, đi sát cơ sở, tăng cường kiểm tra, giám sát; đổi mới phương thức lãnh đạo, đề cao vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành ở tất cả các ngành, các cấp.
Tập trung triển khai thực hiện khẩn trương, đúng trọng tâm và có hiệu quả các nhiệm vụ Trung ương Đảng và Thành uỷ đề ra. Nghiên cứu, ban hành các chính sách, biện pháp đủ mạnh và chỉ đạo quyết liệt để tạo chuyển biến tích cực, rõ nét đối với một số lĩnh vực còn khó khăn, vướng mắc, bất cập; những chỉ tiêu kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ còn đang đạt thấp như: tỷ lệ đô thị hoá; vận tải hành khách công cộng; cấp nước sạch; xử lý nước thải; thu gom xử lý rác thải và các vấn đề về môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu…
Nghiên cứu, rà soát để tiếp tục đẩy mạnh phân cấp một số nội dung, lĩnh vực theo nguyên tắc cấp nào làm tốt thì để cấp đó triển khai thực hiện, đồng thời tăng tính chủ động cho các cấp, các ngành. Chỉ đạo hoàn thiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực quản lý dự án đầu tư công và dự án đầu tư ngoài ngân sách để phân rõ nhiệm vụ của các cấp, các ngành, thúc đẩy giải quyết thủ tục hành chính, quản lý các dự án đầu tư chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Về phát triển kinh tế, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chỉ số PCI. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ rào cản, phát triển mạnh doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng; phấn đấu số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12% trở lên. Tăng cường xúc tiến đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển. Đẩy nhanh tiến độ cấp phép, thực hiện và giải ngân các dự án. Tiếp tục sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo kế hoạch đã duyệt.

Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, ứng dụng công nghệ cao, tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động. Tiếp tục tái cơ cấu ngành công nghiệp, thúc đẩy đổi mới công nghệ; ưu tiên lựa chọn những công nghệ tiên tiến, hiện đại sử dụng ít quỹ đất nhưng mang lại giá trị cao nhất; thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu công nghệ cao; Triển khai Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030; đẩy nhanh thủ tục đầu tư, kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển các cụm công nghiệp có quy mô đủ lớn để giải quyết hiệu quả vấn đề môi trường và phát triển làng nghề...
Xây dựng chính sách thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối theo quy hoạch. Chú trọng phát triển thị trường gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; ổn định cung - cầu; thực hiện tốt quản lý thị trường, kiểm soát chất lượng và giá cả hàng hóa, sản phẩm thiết yếu. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn; đẩy mạnh xuất khẩu. Tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, hợp tác phát triển du lịch; các sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô; thực hiện số hóa điểm du lịch bằng giao diện ảnh 360, 3D. Tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện ngành nông nghiệp để xây dựng các chính sách, cơ chế và định hướng phát triển bền vững, chất lượng và hiệu quả cao.
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch; hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện đất đai, phát triển tổng thể đô thị và khai thác tối đa các lợi thế của Thủ đô để mang lại giá trị gia tăng cao nhất. Nhân rộng có định hướng và chọn lọc các kết quả nghiên cứu khoa học, các mô hình đã được tổng kết; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, ứng dụng công nghệ mới. Phấn đấu năm 2018 mỗi huyện, thị xã xây dựng một mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; nâng cao năng lực dự báo thị trường.