Năm 2017 là năm có nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành nông nghiệp Thủ đô: Nắng nóng kỷ lục, mưa bão gây úng ngập diện rộng; giá cả sản phẩm chăn nuôi những tháng đầu năm xuống thấp kỷ lục; dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp… Song, với sự chỉ đạo quyết liệt của TP, ngành nông nghiệp Thủ đô vẫn đạt mức tăng trưởng 2%. Tổng giá trị sản xuất nông lâm sản và thủy sản đạt 35.100 tỷ đồng, tăng 2,2% so với năm 2016...
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp có nhiều tiến bộ, đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao như: Vùng lúa chất lượng cao cho giá trị tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống từ 25 - 30%; vùng sản xuất rau an toàn đạt từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; vùng trồng cây ăn quả đạt từ 0,5 - 1 tỷ/ha/năm; vùng hoa, cây cảnh giá trị từ 0,5 - 1,5 tỷ/ha/năm… Điểm nhấn đáng chú ý nữa là đến nay, Hà Nội đã triển khai được 89 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản. Tiếp tục duy trì 65 mô hình liên kết theo chuỗi giá trị góp phần làm tăng tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã chiếm 25% tổng giá trị ngành hàng nông nghiệp...
Cùng với phát triển nông nghiệp, việc thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy tiếp tục gặt hái thành công lớn. Với việc có thêm hai huyện là Thanh Trì và Hoài Đức được Chính phủ công nhận đạt chuẩn năm 2017, Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới với tổng số bốn huyện hoàn thành chương trình nông thôn mới (gồm hai huyện nên trên và hai huyện: Đan Phượng, Đông Anh), tổng số xã đạt chuẩn của Hà Nội hiện cũng cao nhất cả nước với 285/386 xã. Đời sống nông dân không ngừng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã đạt trên 38 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm qua các năm, hiện còn khoảng 2,5%…
Trong bối cảnh năm thiên tai diễn biến phức tạp, việc ngành nông nghiệp Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá là một điều đáng khích lệ. Dù vậy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Đơn cử như, công tác tháo gỡ cho ngành chăn nuôi khi giá gia súc, gia cầm giảm sâu chưa hiệu quả. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế. Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ; năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao… Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 được Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh là cần rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát triển nông nghiệp phù hợp định hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Thực hiện tốt nhiệm vụ Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 theo Quyết định số 1819 ngày 16/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Phê duyệt, thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP giai đoạn 2018 - 2020. Triển khai và nhân rộng các mô hình nông nghiệp có hiệu quả, trong đó, ưu tiên thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cũng đề nghị các sở ngành, các địa phương cần đẩy mạnh kết nối cung cầu nông sản, thực phẩm giữa Hà Nội với các tỉnh, TP. Đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết. Đổi mới tổ chức sản xuất, khuyến khích phát triển nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp đảm bảo VSATTP; phòng cháy, chữa cháy rừng; quản lý đê điều, công trình thủy lợi... Phấn đấu năm 2018, ngành nông nghiệp Thủ đô đạt mức tăng trưởng từ 2,0 - 2,5%.