Từ năm học 2019 - 2020 học sinh đầu cấp tiểu học sẽ học chương trình sách giáo khoa mới. Ảnh: Trung Đức |
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện chương trình, SGK mới tuần tự theo từng cấp học, từ năm 2019 - 2020 đối với lớp đầu cấp của tiểu học, từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp đầu cấp của THCS và từ năm học 2021 - 2022 đối với lớp đầu cấp của THPT. Như vậy, dù Quốc hội cho phép được lùi thực hiện chương trình, SGK mới tối đa 2 năm nhưng Bộ GD&ĐT đã chọn chỉ lùi 1 năm.
Ngoài ra, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng yêu cầu Ban quản lý dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (GDPT) phối hợp với các đơn vị liên quan căn cứ chương trình GDPT tổng thể, xây dựng kế hoạch biên soạn một bộ SGK đủ các môn học ở các lớp học (do Bộ GD&ĐT chỉ đạo tổ chức) đúng lộ trình triển khai thực hiện chương trình, SGK mới theo quy định của Quốc hội trình Bộ trưởng phê duyệt, ban hành kế hoạch trước ngày 31/1/2018. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giao cho Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm.
Một điểm mới về tập huấn giáo viên các môn học trong chương trình, SGK mới lần này, đó là Bộ GD&ĐT tổ chức theo hình thức tập trung tại trung ương, hoàn thành công việc này trước thời điểm triển khai chương trình, SGK mới 6 tháng để địa phương có thời gian tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đại trà cho giáo viên. Đồng thời, tiếp tục rà soát, xác định nhu cầu giáo viên theo lộ trình thực hiện chương trình, SGK mới và có biện pháp giải quyết số giáo viên thừa, thiếu từng cấp học, môn học trước ngày 30/6/2018.
Một vấn đề nữa, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đó là chuyển dần khái niệm thi sang kiểm tra đánh giá kiến thức phổ thông cơ bản của học sinh, giảm bớt các kỳ thi không thiết thực. Trung tâm khảo thí quốc gia của Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các Sở GD&ĐT xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra đánh giá, sử dụng sổ điểm điện tử. Tập trung xây dựng ngân hàng câu hỏi, chuẩn hóa đánh giá, áp dụng thi THPT quốc gia, tiến tới tổ chức kiểm tra, đánh giá trên máy tính…
Theo kết luận của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ về việc triển khai xây dựng và chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, SGK mới, dự thảo chương trình các môn học sẽ được đưa ra lấy ý kiến dư luận trước ngày 12/1.