Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công tăng 34,5%

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong vốn đầu tư của khu vực nhà nước, vốn từ ngân sách nhà nước (đầu tư công) thực hiện năm 2020 ước tính đạt 466,6 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% kế hoạch năm và tăng 34,5% so với năm trước.

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách đạt 466,6 nghìn tỷ đồng

Theo Tổng cục thống kê, tính chung năm 2020, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 2.164,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm trước và bằng 34,4% GDP, bao gồm: Vốn khu vực nhà nước đạt 729 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,7% tổng vốn và tăng 14,5% so với năm trước; khu vực ngoài nhà nước đạt 972,2 nghìn tỷ đồng, bằng 44,9% và tăng 3,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 463,3 nghìn tỷ đồng, bằng 21,4% và giảm 1,3%.

 Ảnh minh họa

Tuy nhiên, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020. Cụ thể, tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn NSNN so với năm trước các năm 2011-2020 lần lượt là: 25,9%; 15%; 1%; 0,3%; 12,4%; 16,1%; 6,6%; 12,2%; 7,1%; 34,5%. Đây là kết quả đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam.

Trong vốn đầu tư của khu vực nhà nước, vốn từ ngân sách nhà nước (đầu tư công) thực hiện năm 2020 ước tính đạt 466,6 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% kế hoạch năm và tăng 34,5% so với năm trước (năm 2019 bằng 90,5% và tăng 7,1%), gồm có: Vốn trung ương quản lý đạt 84 nghìn tỷ đồng, bằng 91,4% kế hoạch năm và tăng 59,7% so với năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 382,6 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% và tăng 29,9%, trong đó vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh đạt 257,7 nghìn tỷ đồng, bằng 88,4% và tăng 29%; vốn ngân sách nhà nước cấp huyện đạt 105,5 nghìn tỷ đồng, bằng 95,3% và tăng 32,4%; vốn ngân sách nhà nước cấp xã đạt 19,4 nghìn tỷ đồng, bằng 109,3% và tăng 29,8%.

Theo Tổng Cục Thống kê, tuy giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 91,1% nhưng với mức tăng 34,5% vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước so với năm 2019 đã tác động lan toả tích cực, tạo động lực và dư địa cho các ngành sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP cả năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp chưa thể dự báo trước điểm kết thúc.

Vốn FDI chảy vào Việt Nam vẫn tích cực

Tính đến 20/12/2020 tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019. Tuy nhiên, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2020 ước tính đạt gần 20 tỷ USD, chỉ giảm 2% so với năm trước.

Trong tổng vốn FDI có 2.523 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 14,6 tỷ USD, giảm 35% về số dự án và giảm 12,5% về số vốn đăng ký so với năm trước; có 1.140 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD, tăng 10,6%; có 6.141 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 7,5 tỷ USD, giảm 51,7%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.695 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 3,2 tỷ USD và 4.446 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 4,3 tỷ USD. 

“Rõ ràng trong năm 2020, đại dịch Covid-19 khiến luồng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu đều giảm mạnh, và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, theo dự báo vốn FDI toàn cầu giảm tới hơn 30% nhưng tại Việt Nam số vốn nhà đầu tư nước ngoài giải ngân chỉ giảm 2% cho thấy,  Việt Nam vẫn là điểm đến tích cực trong năm 2021”-  Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Đình Thuý chia sẻ. 

Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút FDI được Tổng Cục Thống kê chỉ ra: Thứ nhất là tình hình chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định, GDP ổn định cao trong nhiều năm. Thứ hai, Việt Nam cũng thực hiện nhiều ưu đãi về thuế, đất đai. Thứ ba, hội nhập mở ra cơ hội lớn không chỉ cho DN nội địa mà cả DN FDI. Thứ tư, Việt Nam có nguồn lao động nhân lực dồi dào. Thứ năm Việt Nam có thị trường tiềm năng rộng lớn với hơn 100 triệu dân, có vị trí địa lý thuận lợi… Đặc biệt, với việc khống chế Covid-19 thành công trở thành công cụ quảng bá cho Việt Nam trong việc thu hút đầu tư.