Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2020, TP Hồ Chí Minh sẽ hoàn thành tuyến metro số 1

Vĩnh Yên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Ban quản lý Đường sắt Đô thị, mục tiêu của TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 hoàn thành tuyến metro số 1. Năm 2024 hoàn thành tuyến metro số 2 giai đoạn 1 và tuyến metro số 5 giai đoạn 1.

Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào TP Hồ Chí Minh 2017 sáng 11/10, TP Hồ Chí Minh mời gọi các nhà đầu tư vào 116 dự án xã hội hóa, 11 dự án quốc gia, 6 dự án thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến, năm 2013, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn 2025 với quan điểm phát triển TP Hồ Chí Minh dựa trên nền tảng phát triển bền vững. Phải duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao nhận thức dân cư, gắn với bảo vệ môi trường. Quan điểm phát triển trên được cụ thể hóa thành mục tiêu xây dựng TP Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Đồng thời sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại và khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á.
Theo ông Tuyến, nhiều chỉ tiêu được đề ra như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt từ 8,5%/năm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Trong đó, tỷ trọng ngành dịch vụ trong GRDP đến năm 2020 chiếm 56 - 58%; tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GDRP bình quân hàng năm từ 35% trở lên; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 30% GRDP. Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người đạt 9.800 USD/người/năm.
Quang cảnh Hội nghị.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh nhận định, để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh tập trung kêu gọi đầu tư vào 9 nhóm ngành dịch vụ: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; du lịch; vận tải, cảng và kho bãi; bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông; Kinh doanh tài sản bất động sản; tư vấn; khoa học công nghệ; y tế; giáo dục và đào tạo. Đồng thời 4 ngành công nghiệp trọng yếu là: Cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa chất - nhựa - cao su; Chế biến tinh lương thực thực phẩm. Trong định hướng phát triển hệ thống giao thông, TP chú trọng các trục vành đai và hướng tâm, đường trên cao, đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, đường thủy, hàng không.
Theo số liệu của UBND TP Hồ Chí Minh, hiện TP đóng góp 21% tổng sản phẩm quốc nội, 1/3 ngân sách quốc gia, 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, 1/2 số khách du lịch quốc tế và 30% tổng số dự án đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Kinh tế TP duy trì tăng trưởng khá cao giai đoạn 2011 - 2015, tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP (GRDP) bình quân đạt 9,6 %/năm, gấp 1,66 lần bình quân cả nước.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm (2011 - 2015) đạt 1,19 triệu tỷ đồng, tương đương 52,3 tỷ USD, gấp 2 lần giai đoạn 2006 - 2010. Cơ cấu kinh tế chuyển hướng tích cực và đúng hướng, khu vực dịch vụ có giá trị tăng thêm chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu GRDP. Năm 2016, trong cơ cấu GRDP, lĩnh vực dịch vụ chiếm 54,8%, công nghiệp và xây dựng chiếm 28,8%, nông nghiệp chiếm 0,8%.
Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2017, giá trị vốn đầu tư nước ngoài tính chung cấp mới và vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp đạt 3,29 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của DN TP năm 2016 đạt 31,8 tỷ USD, bình quân giai đoạn 2010 - 2016 kim ngạch xuất khẩu tăng 6%/năm, kim ngạch nhập khẩu là 9%/năm. Kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư, cải tạo và nâng cấp ngày càng đồng bộ, phù hợp với tình hình tăng trưởng kinh tế. Năng suất lao động của TP cao nhất nước, giai đoạn 2010 - 2016 cao gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân chung cả nước. TP tập trung nguồn lực cho dân sinh, từng bước hình thành đô thị văn minh, hiện thực hóa tầm nhìn “Thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh hiện đại, nghĩa tình”