Năm 2021, ước tính tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research là 23% sau khi giảm 17% trong năm 2020. Với hệ số P/E thị trường là 16,03 lần, các chuyên gia SSI cho rằng, định giá hiện tại của hầu hết các ngành đã quay trở lại mức trước Covid-19.
Lãi suất thấp, thanh khoản dồi dào... là những yếu tố thuận lợi giúp cải thiện NIM của ngân hàng niêm yết |
Các kịch bản năm 2021 được SSI đưa ra cụ thể: Trong kịch bản tốt nhất, dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán sẽ là động lực giúp P/E thị trường năm 2021 đạt mức cao kỷ lục như mức đã đạt được trong vòng 3 năm qua. Trong kịch bản cơ sở, chúng tôi sử dụng mức hệ số P/E 18 lần cho chỉ số VNIndex trong năm 2021 (tương đương với triển vọng tăng giá là 12,3%).
Ngành ngân hàng và bất động sản là hai ngành lớn nhất trong VN-Index, với tỷ trọng lần lượt là 27% và 26%. “Cần lưu ý rằng cả hai lĩnh vực này đều được cho là hưởng lợi trong đại dịch do môi trường lãi suất thấp và thanh khoản dồi dào giúp cải thiện NIM của các ngân hàng niêm yết, trong khi rủi ro hình thành nợ xấu là hạn chế do đợt bùng phát dịch Covid thứ hai và thứ ba diễn ra rất ngắn. Mặt khác, giá BĐS tiếp tục tăng trong bối cảnh nguồn cung tại TP. Hồ Chí Minh ở mức hạn chế. Dự báo, ngành năng lượng, tiêu dùng không thiết yếu và bất động sản là 3 lĩnh vực có thể đạt mức tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2021”- báo cáo của SSI phân tích.
Còn các chuyên gia Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, 2021 sẽ là năm đề cao chiến lược đầu tư từ trên xuống và đi theo sự hồi phục của nền kinh tế. Trong đó, các ngành hưởng lợi từ sự hồi phục mạnh mẽ của nhu cầu tiêu dùng và hoạt động xuất nhập khẩu sẽ là những điểm đến đầu tư tiềm năng. Nhóm ngân hàng, bất động sản sẽ là điểm sáng trong năm 2021.
Theo VDSC, Việt Nam tiếp tục được dự báo là điểm sáng tăng trưởng với mức GDP dự phóng là 7.0% trong năm 2021. Yếu tố về lãi suất cũng đang ủng hộ cho việc đầu tư sang kênh chứng khoán khi Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành ba lần trong năm 2020 với tổng mức giám 1.5-2.0%/năm.
Việc lãi suất giảm liên tục giúp tạo ra nguồn vốn rẻ, từ đó tại dự địa giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trở người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong năm 2021, lãi suất cho vay và huy động có thể được duy trì ở mức thấp khi các doanh nghiệp cần thời gian hồi phục, ít nhất là một trong hai năm tới sau Covid-19. Ngoài ra, việc chưa có dấu hiệu đảo chiều lãi suất của các ngân hàng lớn trong tháng 12/2020 cũng hỗ trợ luận điểm trên. Các ngành hưởng lợi sẽ là nhóm ngành có cơ cấu vốn trên tổng tài sản cao.
Do đó, các chuyên gia phân tích VDSC nhận thấy tiềm năng ở các cổ phiếu bất động sản. Ngoài ra, việc lãi suất cho vay bất động sản đang ở mức thấp nhất trong 10 năm sẽ càng kích thích nguồn cầu từ người mua nhà tiềm năng.
Từ đó, các chủ đầu tư cũng sẽ mạnh dạn hơn trong việc phát triển dự án và mở bán khi cung cầu đều được hỗ trợ. Tựu trung lại, xu hướng chung của ngành là tương đối tích cực.
Ngành ngân hàng phân hóa mạnh trong thời kỳ dịch bệnh tác động mạnh lên nền kinh tế, qua đó ảnh hưởng tiêu cực lên nhu cầu vay vốn, khả năng trả nợ của khách hàng và chất lượng tài sản của các ngân hàng. Tuy nhiên, VDSC vẫn nhận thấy nhiều điểm sáng ở ngành ngân hàng, mà mở đầu là nhóm ngân hàng quốc doanh vốn đã dành năm 2020 để chuẩn bị nhiều bộ đệm dự phòng thay vì bất chấp tăng trưởng, bên cạnh một vài ngân hàng tư nhân có khả năng chống chịu trong kịch bản xấu. Ngoài ra, VDSC cũng kỳ vọng về các mã ngành dược, ngành hàng tiêu dùng.