Năm 2022: Giai đoạn phục hồi kinh tế toàn cầu

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2022, nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 4% trong bối cảnh nhiều ngân hàng T.Ư bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Dịch Covid-19 và lạm phát vẫn tiếp tục là những nguy cơ lớn với kinh tế thế giới.

Đâu là những rủi ro lớn nhất với kinh tế thế giới?
Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn kinh tế thế giới hai năm liên tiếp, với những diễn biến không thể đoán trước. Bước sang năm 2022, các chuyên gia kinh tế nhận định rằng sự xuất hiện của biến thể Omicron, phát hiện lần đầu tiên tại Nam Phi vào tháng 11/2021, vẫn là yếu tố chính tiềm ẩn những nguy cơ trì hoãn sự phục hồi vào thời điểm kinh tế thế giới trở lại mức bình thường như trước đại dịch. Đà lây lan chóng mặt của biến thể này buộc chính phủ các nước phải siết chặt biện pháp hạn chế, kéo theo tâm lý lo sợ cản trở người dân tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội và giảm chi tiêu. Những yếu tố này sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến việc mở cửa trở lại du lịch quốc tế, khôi phục thương mại và hệ thống chuỗi cung ứng trên toàn thế giới. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cảnh báo biến thể Omicron là một rủi ro đối với nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, những động lực thúc đẩy kinh tế toàn cầu hiện nay.

Công nhân lắp ráp tại một nhà máy sản xuất xe hơi tại Mỹ. Ảnh: AP
Công nhân lắp ráp tại một nhà máy sản xuất xe hơi tại Mỹ. Ảnh: AP

Theo nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Gita Gopinath, nếu Covid-19 còn kéo dài trong trung hạn, mức tổn thất đối với GDP toàn cầu trong 5 năm tới có thể lên đến 5.300 tỷ USD. Ưu tiên chính sách hàng đầu chính là việc hoàn tất mục tiêu tiêm chủng 40% ở tất cả các nước trong năm nay và đạt mức 70% vào giữa năm 2022. Hiện mới chỉ có khoảng 5% dân số tại các nước thu nhập thấp tiêm đầy đủ hai liều vaccine ngừa Covid-19.
Bên cạnh dịch Covid-19, lạm phát tăng cao cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2022. Tình trạng thiếu nguyên liệu thô và thiếu nguồn đầu vào, cùng với giá năng lượng cao hơn, đã đẩy lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu và Mỹ trong năm 2021 lên mức cao nhất trong hàng chục năm. Điều này khiến các nhà đầu tư toàn cầu lo ngại các ngân hàng T.Ư buộc phải tăng lãi suất sớm để kiềm chế giá cả đang tăng vọt. Với sự gián đoạn chuỗi cung ứng được xác định là kéo dài hơn so với nhận định ban đầu, lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục tăng nóng trong phần lớn năm 2022.
“Vấn đề quan trọng là làm thế nào các nền kinh tế thế giới đối phó với lạm phát” - Phó Chủ tịch CEBR Douglas McWilliams nhận định. Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann cho rằng, lạm phát tăng đột biến “là rủi ro chính” đối với triển vọng lạc quan của kinh tế toàn cầu năm 2022.
Tín hiệu lạc quan
Trong các báo cáo gần đây, hầu hết các tổ chức tài chính, cơ quan dự báo lớn đều có đánh giá tích cực rằng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng trên 4% trong năm 2022. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 có thể đạt 4,9%, trong khi con số dự báo của Oxford Economics là 4,3%, và ngân hàng Morgan Stanley dự báo ở mức 4,7%.
Trong số các tổ chức đưa ra dự báo, ngân hàng Mỹ JPMorgan tỏ ra lạc quan nhất khi cho rằng “năm 2022 sẽ là năm thế giới phục hồi hoàn toàn, mọi thứ sẽ quay trở lại bình thường như trước khi dịch Covid-19 xảy ra”. Theo Ngân hàng JPMorgan, cơ sở để đạt được kết quả khả quan là nhờ các chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-9 được đẩy mạnh giúp phần lớn các nước mở cửa trở lại, tháo gỡ các nút thắt trong chuỗi cung ứng, đẩy mạnh tiêu dùng, từ đó giúp phục hồi tăng trưởng trên diện rộng.
Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR) có trụ sở tại London (Anh) thậm chí còn cho rằng tổng giá trị nền kinh tế thế giới trong năm 2022 sẽ vượt ngưỡng 100.000 tỷ USD, lần đầu tiên trong lịch sử và sớm hơn hai năm so với dự báo trước đó. Cơ sở để đưa ra những dự báo khả quan này là đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu được củng cố vào cuối năm 2021 sau khi tỷ lệ bao phủ vaccine tại nhiều quốc gia tăng lên, nhiều nước lựa chọn giải pháp thích ứng an toàn với Covid-19, triển khai các gói hỗ trợ kinh tế và các chuỗi cung ứng cũng dần phục hồi.
Tuy nhiên, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được đánh giá sẽ không đồng đều. Các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chứng kiến đà phục hồi mạnh nhất; trong khi Mỹ, châu Âu và các nền kinh tế mới nổi vốn đã mở cửa từ khi tỷ lệ các ca mắc Covid-19 còn cao sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Các nền kinh tế lớn tiếp tục là đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng của thế giới, với Mỹ được dự báo tăng khoảng 4%, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) là 4,2%.
Cùng với những nhận định lạc quan là những dự báo thận trọng hơn như của hãng tin Bloomberg cho rằng, bước sang năm 2022, toàn cầu sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro nữa, do các nguy cơ từ biến thể Omicron, lạm phát, FED nâng lãi suất… Mặc dù vậy, ngay cả những dự báo tiêu cực nhất cũng khẳng định rằng kinh tế thế giới đã sẵn sàng trở lại quỹ đạo tăng trưởng như trước đại dịch. Những chuyển đổi rõ rệt trong các xu hướng kinh tế vĩ mô chủ chốt báo hiệu năm 2022 sẽ là một giai đoạn phục hồi mới của kinh tế toàn cầu.
Các chuyên gia của ngân hàng Bank of America (Mỹ) nói rằng họ không kỳ vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm nay, song sẽ dần quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng như thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát.

 

"Trong năm 2022, nền kinh tế thế giới chưa thể phục hồi về mức tăng trưởng như thời điểm trước khi đại dịch khởi phát và diễn biến khó lường của Covid-19 sẽ tiếp tục là rủi ro lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu." - Nhà kinh tế trưởng của Bank of America Michelle Meyer

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần