Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái:

Năm 2023, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các địa phương phải tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng…

Sáng 22/5, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023

Năm 2022, đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo trước Quốc hội, trong đó báo cáo bổ sung đánh giá phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 cho biết: Năm 2022, đã đạt khá toàn diện trên các lĩnh vực, đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đề ra…

So với báo cáo tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, với số liệu, thông tin đầy đủ, chuẩn xác hơn, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 sau khi đánh giá bổ sung đã có nhiều thay đổi tích cực hơn như: Tốc độ tăng GDP năm 2022 đạt 8,02% so với năm trước (đã báo cáo là khoảng 8%); CPI bình quân năm 2022 tăng 3,15% so với năm trước (đã báo cáo là khoảng 4%); thu NSNN năm 2022 đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn 201,4 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 3.219,8 nghìn tỷ đồng (đã báo cáo là đạt khoảng 3.201,5 nghìn tỷ đồng); dòng vốn FDI thực hiện cả năm tăng khoảng 13,5% so với năm 2021 (đã báo cáo là khoảng 6,4-11,5% so với năm 2021); kim ngạch xuất khẩu đạt 371,3 tỷ USD, tăng khoảng 10,5% so với năm 2021 (đã báo cáo là 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,5%); xuất siêu đạt hơn 12,4 tỷ USD (đã báo cáo là khoảng 01 tỷ USD)… 

Tuy nhiên, có 2/12 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra (số đã báo cáo Quốc hội là 01 chỉ tiêu không đạt) do có thêm chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP chỉ đạt 24,76% (số đã báo cáo Quốc hội là khoảng 25,7-25,8%), thấp hơn mục tiêu đề ra (25,7-25,8%). Nguyên nhân do trong Quý IV/2022, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh đối mặt với khó khăn, thách thức gia tăng; giá xăng dầu, nguyên liệu, vật tư đầu vào biến động mạnh; thiếu hụt nguồn cung đầu vào, tăng chi phí sản xuất; xuất khẩu gặp nhiều thách thức khi đơn hàng, các thị trường lớn, truyền thống bị thu hẹp do sức cầu suy giảm... Trong khi đó, năng lực nội tại, tính tự chủ của nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu đầu vào nhập khẩu. Những yếu tố trên đã tác động và tạo sức ép rất lớn lên mức tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong năm 2022.

Đạt được nhiều kết quả tích cực trong 4 tháng đầu năm 2023

Về tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã nêu bối cảnh thế giới và trong nước, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023, Chính phủ đã cùng các bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời và đã đạt được các kết quả khá tích cực trong 4 tháng đầu năm.

Năm 2023, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát - Ảnh 1

Cụ thể: giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; Tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; Tiếp tục chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế; Hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì, một số lĩnh vực có mức tăng khá; Tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, các tuyến đường cao tốc, đường ven biển và các dự án quan trọng quốc gia; Ngành giáo dục tích cực triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin tuyên truyền tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh; Quốc phòng an ninh được bảo đảm; Công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực; quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác quan trọng ngày càng đi vào chiều sâu…

Báo cáo của Chính phủ cũng khẳng định, diễn biến bất lợi, khó lường của thế giới tiếp tục ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư,… Cụ thể: Tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,6%).  Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… vẫn còn gặp khó khăn. Thị trường trong nước còn nhiều dư địa nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng. Sản xuất, kinh doanh, đầu tư gặp nhiều khó khăn, xuất nhập khẩu giảm,… khả năng sẽ tác động đến thu NSNN ngay trong quý II và cả năm, tạo áp lực lên điều hành chính sách tài khóa. Tình hình an ninh, trật tự trên một số địa bàn, không gian mạng, tội phạm ma túy còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp...

Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV
Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, tính đến hết tháng 4/2023, đã giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình đến nay đạt khoảng 87,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 29% tổng nguồn lực của Chương trình (301 nghìn tỷ đồng).

Chú trọng triển khai 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, bối cảnh thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải nỗ lực vượt khó, khắc phục hạn chế, bất cập, phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, tư tưởng chỉ đạo trong Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó,chú trọng triển khai 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thứ hai, đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án Luật, Nghị quyết trình Quốc hội; rà soát, tháo gỡ các bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV.

Thứ ba, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2023 đạt tối thiểu 95%; đồng thời chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư và khuyến khích các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên, bãi đổ thải…

Thứ tư, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tăng cường nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Thứ năm, tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác; nâng cao năng lực của hệ thống y tế, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; quyết liệt tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế.

Thứ sáu, tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tiếp tục nghiên cứu và triển khai mô hình giáo dục đại học số; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023 nghiêm túc, an toàn, hiệu quả.

Thứ bảy, chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường. Tiếp tục triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam; khẩn trương xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa.

Thứ tám, củng cố, tăng cường tiềm lực và đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa quốc phòng, an ninh, nâng cao năng lực tác chiến; giữ vững độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động hiệu quả các nguồn lực, xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, vững mạnh.

Thứ chính, triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. Tiếp tục đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả; phát huy vai trò của Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và cơ chế đa phương.

Cuối cùng, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; chú trọng truyền thông chính sách, tuyên truyền, cổ vũ những mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt, việc tốt. Làm tốt công tác dân vận, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân, nhất là trong công tác giám sát, phản biện, góp phần tạo đồng thuận xã hội…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần