Theo Kế hoạch số 09/KH-UBND, TP Hà Nội đặt mục tiêu tổ chức đánh giá, phân hạng được ít nhất 40 sản phẩm đạt từ 3 sao OCOP trở lên và 10 sản phẩm tiềm năng 5 sao tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp Quốc gia.
Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ phát triển tối thiểu 30 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn TP; triển khai tối thiểu 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.
Một trong những nội dung trọng tâm của Kế hoạch số 09/KH-UBND là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về Chương trình OCOP. Bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện Chương trình OCOP.
Năm 2023, Hà Nội sẽ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản phẩm mới, sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Thúc đẩy, khuyến khích các phong trào phụ nữ, thanh niên, trí thức trẻ tích cực nghiên cứu phát triển sản phẩm mới đặc thù gắn với địa phương tham gia Chương trình OCOP.
Triển khai một số mô hình về bảo tồn và phát huy vai trò của các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm OCOP. Phát triển các vùng nguyên liệu gắn với chế biến sâu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn…
Bên cạnh nội dung phát triển sản phẩm OCOP mới, Hà Nội sẽ quan tâm, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP và đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số trong Chương trình OCOP. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát chủ thể về quản lý, phát triển sản phẩm OCOP…
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, tính đến hết năm 2022, TP đã có 1.649 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng từ 3 sao OCOP trở lên. Năm 2022, Hà Nội phấn đấu đánh giá, phân hạng được ít nhất 400 sản phẩm. Tuy nhiên, kết quả năm qua, đã tổ chức đánh giá được gần 600 sản phẩm. Hiện, đang trình Hội đồng OCOP Hà Nội xem xét, trình UBND TP phân hạng, cấp sao.