Thị trường sẽ trở lại mạnh mẽ
Tại Lễ đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán đầu năm 2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có một năm 2023 trở lại mạnh mẽ, phát triển cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế và là công cụ quản lý vĩ mô hiệu quả của Chính phủ.
Để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong năm 2023, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đã chỉ đạo 5 nhiệm vụ trọng tâm ngành chứng khoán cần triển khai.
Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, sửa đổi Luật Chứng khoán, các luật, văn bản có liên quan; tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán về quy mô đồng thời tập trung nâng cao chất lượng thị trường, nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh của các tổ chức tham gia thị trường, chú trọng đổi mới, áp dụng, phát triển hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác quản lý, giám sát thị trường.
Thứ hai, xây dựng một kế hoạch cụ thể trên cơ sở chiến lược ngành Tài chính, Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, từ đó triển khai hoạt động trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Thứ ba, đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống giao dịch, đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào hoạt động để đảm bảo sự đồng bộ về giao dịch và thanh toán, tạo điều kiện triển khai các sản phẩm mới và tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng đầu tư.
Thứ tư, tổ chức triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn DN nhà nước, gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán để tăng quy mô và chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán.
Thứ năm, tăng cường công tác giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động lành mạnh của DN.
Tại Lễ đánh cồng, bà Vũ Thị Chân Phương – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh: "Ngay từ những tháng đầu năm 2023, chúng tôi sẽ triển khai ngay 5 nhiệm vụ quan trọng mà Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi vừa chỉ đạo, từ công tác rà soát các quy định của Luật Chứng khoán và các văn bản thi hành, đảm bảo thị trường hoạt động ổn định, minh bạch, kỷ cương, cũng như việc đưa các sản phẩm mới, hệ thống công nghệ thông tin,... để sớm vận hành trong năm 2023".
Ngày đầu năm rực rỡ
Ngày đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam có một mở đầu rực rỡ khá bất ngờ. Một niềm vui trọn vẹn đến với nhà đầu tư trong dịp năm mới. VN-Index đạt mức tăng vượt trội so với các thị trường lớn trên thế giới.
Kết phiên giao dịch, VN-Index tăng 36,81 điểm (3,66%). Và chỉ có 9.249 tỷ rót vào VN-Index để thực hiện điều này. Cầu giá thấp có vẻ cạn kiệt. Điều này khiến mối lo ngại thị trường sụp đổ vì cạn tiền sẽ vơi đi. VN30 tăng 42,06 điểm (4,18%). HNX-Index tăng 7,25 điểm (3,53%), UPCoM tăng 0,75 điểm (1,05%). Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 231 tỷ trên HOSE và là phiên mua ròng thứ 30 liên tục.
Trước đó, năm 2022, dù không có nhiều biến động thuận lợi, song một trong những điểm sáng của năm qua đã được ghi nhận là giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Tổng cộng cả năm 2022, khối ngoại mua ròng tới 29.262 tỷ đồng trên toàn thị trường, tương ứng khoảng 1,2 tỷ USD chảy vào chứng khoán Việt. Đây là con số kỷ lục trong lịch sử hơn 22 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tính đến ngày 23/12/2022, giá trị vốn hoá 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ước đạt 5.278 nghìn tỷ đồng, giảm 32% so với cuối năm 2021, tương đương 62,2% GDP. Quy mô thị trường cổ phiếu niêm yết tiếp tục tăng trưởng. Tính đến cuối tháng 11/2022, quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch (ĐKGD) của thị trường đạt 1.970 nghìn tỷ đồng, tăng 13,26% với cuối năm 2021 với 757 cổ phiếu, CCQ niêm yết trên 2 Sở GDCK và 859 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM.