Năm  2024, “thở phào” với áp lực lạm phát

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới và trong nước kém lạc quan, giá hàng hóa khó tăng mạnh, môi trường tiền tệ, tỷ giá ở mức trung tính, nhưng áp lực lạm phát năm 2024 không quá lớn. Chỉ số giá tiêu dùng thậm chí được dự báo chỉ tăng trung bình 3%.

Đây là nhận định chung được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra tại Hội thảo với chủ đề: “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2023 và dự báo 2024”, do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức, sáng 4/1.

Áp lực lạm phát không quá lớn

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho biết, diễn biến lạm phát tại Việt nam trong năm 2023 có thể chia thành 2 giai đoạn. Trong nửa đầu năm 2023 lạm phát so với cùng kỳ có xu hướng giảm từ mức 4,9% vào tháng 1/2023 xuống còn 2% vào tháng 6/2023. Trong nửa sau của năm 2023 bên cạnh việc các nền tảng kinh tế vĩ mô dần cải thiện (tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, lãi suất huy động và cho vay giảm mạnh, cung tiền và tín dụng tăng nhanh hơn), lạm phát có xu hướng gia tăng chủ yếu do một loạt các cú sốc từ phía cung.

Hội thảo Khoa học với chủ đề: “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2023 và dự báo 2024”, sáng 4/1.
Hội thảo Khoa học với chủ đề: “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2023 và dự báo 2024”, sáng 4/1.

TS. Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh, điểm đáng chú ý là CPI đã tăng đột biến trong các tháng 8-9/2023 (tăng 0,88% trong tháng 8/2023 và 1,08% trong tháng 9/2023). Kết quả, lạm phát so với cùng kỳ đã tăng từ mức 2,0% vào tháng 6/2023 lên mức 3,58% vào tháng 12/2023. Tuy nhiên, do lạm phát giảm trong nửa đầu năm, nên lạm phát trung bình năm 2023 cũng chỉ ở mức 3,25%, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra khoảng 4,5%.

Dự báo về lạm phát năm 2024, TS. Nguyễn Đức Độ cho biết, năm 2024 lạm phát so với cùng kỳ nhiều khả năng sẽ có xu hướng giảm do kinh tế Việt Nam chưa phục hồi hoàn toàn, đồng thời kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, thậm chí có thể rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, do yếu tố kỹ thuật (lạm phát so với cùng kỳ tháng 12/2023 ở mức khá cao - 3,58%), nên lạm phát trung bình cả năm 2024 được dự báo sẽ ở mức khoảng 3% (+/- 0,5%).

PGS.TS Ngô Trí Long chỉ ra yếu tố giúp giảm áp lực lạm phát đó là lạm phát toàn cầu hạ nhiệt, tiến dần về mức lạm phát mục tiêu, sẽ giảm áp lực “nhập khẩu”; giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát. Cùng với đó, thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát lạm phát năm 2023 cũng đã tạo đà cho việc giữ ổn định lạm phát trong năm 2024. Đồng thời, Chính phủ thực hiện mục tiêu giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất sẽ làm giảm lạm phát kỳ vọng.

Năm 2024, kinh tế Mỹ dự báo hạ cánh mềm và Fed có thể cắt giảm lãi suất vào cuối quý I khiến USD giảm giá và tỷ giá giữa Việt Nam đồng và USD giảm, do đó giảm áp lực lạm phát do tỷ giá đối với kinh tế Việt Nam. Một số chính sách hỗ trợ về thuế trong năm 2023 được tiếp tục thực hiện trong năm 2024 như hỗ trợ giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, giảm thuế giá trị gia tăng góp phần giảm chi phí hình thành giá hàng hóa và dịch vụ; với nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào sẽ giúp Việt Nam giảm bớt áp lực lạm phát trong bối cảnh đang xuất hiện nhiều rủi ro, thách thức về an ninh lương thực toàn cầu. “Mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 từ 4%- 4,5% đã được Quốc hội thông qua hoàn toàn khả thi” - PGS.TS Ngô Trí Long nhận định.

Áp lực lạm phát năm 2024 được dự báo không quá lớn.
Áp lực lạm phát năm 2024 được dự báo không quá lớn.

Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt

Kiểm soát lạm phát là một trong những mục tiêu và nhiệm vụ ưu tiên trong trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Nhiều ý kiến cho rằng, chưa có nhiều yếu tố đáng ngại với mục tiêu kiểm soát lạm phát từ 4 - 4,5% trong năm 2024, song cần cẩn trọng và có kịch bản ứng phó với những yếu tố bất lợi từ kinh tế thế giới.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) cho rằng, để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4,5% như chỉ tiêu của Quốc hội đề ra, cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Mặt khác, tăng trưởng GDP năm 2024 đã tăng 5,05% so với năm trước, là tốc độ tăng thấp trong nhiều năm. Don đó, rất cần thúc đẩy mức tăng trưởng hoạt động xuất nhập khẩu, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.

Còn theo PGS.TS Ngô Trí Long, cần thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, bảo đảm tính chủ động, hiệu quả, phối hợp với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Qua đó, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, qua đó hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và đời sống của người dân, kiểm soát lạm phát cơ bản và tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.

Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam. Đặc biệt, cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp.