Nam Á - mảnh đất tranh giành ảnh hưởng mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng của mình, Nam Á đã và đang trở thành mục tiêu tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc trong khu vực và trên thế giới.

Với vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng của mình, Nam Á đã và đang trở thành mục tiêu tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc trong khu vực và trên thế giới. Bằng chứng là, trong những ngày qua, giới chức lãnh đạo khu vực đã bận rộn với các cuộc tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa kết thúc thành công chuyến thăm 3 ngày (6 - 8/9) tới 2 quốc gia “có tiếng nói chính trị và sức mạnh kinh tế ngày càng lớn” trong khu vực Nam Á là Bangladesh và SriLanka. Đúng như giới quan sát nhận định, chuyến đi không chỉ giúp Nhật Bản tăng cường quan hệ song phương với Bangladesh và SriLanka, góp phần tái sinh nền kinh tế mà còn góp phần tái cân bằng vị thế ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực.

Là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên đến thăm Bangladesh từ 14 năm nay và thăm Sri Lanka từ 24 năm qua, không ngạc nhiên khi chuyến công du của ông Abe được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm đặc biệt. Không dừng lại ở mong muốn đưa sự năng động của Bangladesh và SriLanka vào nền kinh tế vốn trì trệ suốt một thời gian dài của Nhật Bản, ông Abe cũng không giấu diếm tham vọng thông qua chuyến thăm, thể hiện sự quan tâm đến khu vực Nam Á và thực hiện chiến lược ngoại giao toàn cầu, tăng cường ảnh hưởng của Tokyo.

Ngoài thành công trong việc tăng cường hợp tác song phương được thể hiện qua các văn bản hợp tác, thỏa thuận đầu tư lên đến hàng chục tỷ USD, với chuyến thăm này, Thủ tướng Abe đã đi trước một bước so với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, vốn cũng thực hiện một chuyến công du đến khu vực Nam Á từ 11/9. Chuyến thăm của Thủ tướng Abe cho thấy nỗ lực của Tokyo trong cuộc “phản công” để đối phó lại với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở khu vực quan trọng này. Với những món lợi to lớn về kinh tế và quốc phòng mà Nhật Bản đã mang tới Nam Á, chắc chắn trong chuyến đi kéo dài hơn 1 tuần (11 - 19/9) tới Tajikistan, Maldives, Sri Lanka và Ấn Độ, ông Tập Cận Bình sẽ phải tính toán thiệt hơn để không bị thua kém Tokyo.

Theo các nhà quan sát, chuyến đi của ông Tập Cận Bình đến Ấn Độ và Sri Lanka không chỉ giúp Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại Nam Á mà còn là một bước giúp Trung Quốc xuất khẩu các công nghệ đường sắt ra nước ngoài. Từ năm 1980, tăng trưởng của Trung Quốc gấp bốn lần Ấn Độ và Bắc Kinh đang tìm cách đầu tư vào các ngành tài nguyên và cơ sở hạ tầng ở Nam Á để nuôi sống bộ máy công nghiệp của nước này. Việc ký các hiệp định hợp tác đường sắt tại nước ngoài đã trở thành một trong những đặc điểm chủ yếu của các chuyến công du nước ngoài của ông Tập Cận Bình. Trong chuyến đi này, Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến sẽ ký biên bản ghi nhớ hợp tác đường sắt. Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Mumbai Lưu Hữu Pháp cho biết, các doanh nghiệp Trung Quốc mong muốn tham gia xây dựng xe lửa tốc độ cao với Ấn Độ. Đây được coi là một bước đi nhằm thực hiện kế hoạch xây dựng đường sắt để đổi lại năng lượng và tài nguyên thiên nhiên từ phía đối tác nhằm thỏa mãn cơn khát năng lượng tại nước này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần