Nam Định: phát huy vai trò các hợp tác xã trong xây dựng nông thôn mới nâng cao
Kinhtedothi - Trong hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, các hợp tác xã (HTX) tại Nam Định đang giữ vai trò trung tâm, không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn góp phần định hình mô hình phát triển nông thôn hiện đại, xanh và bền vững.
HTX tạo chuyển biến rõ nét ở nông thôn
Toàn tỉnh Nam Định hiện có 553 HTX và Quỹ tín dụng nhân dân, trong đó 530 đơn vị đang hoạt động ổn định ở nhiều lĩnh vực kinh tế. Riêng lĩnh vực nông nghiệp chiếm ưu thế với 418 HTX, thu hút hơn 314.000 thành viên là cá nhân và hộ gia đình, tạo việc làm cho gần 5.000 lao động.
Các HTX không chỉ giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất mà còn đóng vai trò là cầu nối trong chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, ứng dụng khoa học công nghệ, đảm bảo đầu ra cho nông sản. Đơn cử như HTX nông nghiệp Nghĩa Bình (huyện Nghĩa Hưng), không chỉ thực hiện hiệu quả việc dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn mà còn mạnh dạn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp cho các mặt hàng chủ lực như “Gạo nếp Bắc Nghĩa Bình” hay “Gạo huyết rồng hữu cơ”.
Tương tự, các HTX như Đình Mộc (Giao Tân), Khang Tường (Giao An), Tuấn Hiệp (Hồng Thuận), Nam Cường (Yên Cường), Yên Lợi (Ý Yên) hay Vạn Xuân Trường (Hiển Khánh) đang là những mô hình điển hình về đổi mới sản xuất theo hướng tuần hoàn, xanh và bền vững.
Sự phát triển của HTX không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân (bình quân đạt 42 triệu đồng/người/năm), mà còn tạo lợi nhuận trung bình 190 triệu đồng/HTX/năm. Hiện nay, đã có 51 HTX với 102 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao và 4 sao, chiếm 24% tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh.
84 HTX đã áp dụng quy trình sản xuất đồng bộ, 19 đơn vị ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất - chế biến - bảo quản nông sản. Bên cạnh đó, 63 HTX đã thiết lập chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững với doanh nghiệp. Nhiều HTX đã đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ từ khâu sản xuất đến chế biến, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, 13 HTX chuyên về nước sạch và vệ sinh môi trường như HTX Sông Đào (Nam Trực), HTX môi trường Giao Long, HTX Bình An (Hải Hậu)… đang đóng vai trò then chốt trong bảo vệ môi trường nông thôn và cải thiện chất lượng sống của người dân.

Nông dân huyện Nam Trực (Nam Định) sử dụng máy gặt để thu hoạch lúa. Ảnh: Xuân Trường
Chính sách hỗ trợ, tạo đà phát triển bền vững
Những năm qua, tỉnh Nam Định đã đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ HTX phát triển như khuyến khích dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng hiện đại. Từ đó, các HTX có đủ điều kiện mở rộng sản xuất, đầu tư máy móc, ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và bảo quản sản phẩm. Quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung cũng giúp HTX dễ dàng liên kết với doanh nghiệp, hình thành chuỗi giá trị bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ.
Tỉnh cũng đặc biệt chú trọng tái cơ cấu HTX theo Luật HTX năm 2012, từng bước chuyển đổi từ mô hình HTX kiểu cũ sang HTX kiểu mới - lấy thành viên làm trung tâm, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi. Các HTX được khuyến khích xây dựng phương án kinh doanh rõ ràng, có chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực, hướng đến thị trường.
Đặc biệt, các lớp bồi dưỡng kiến thức về kinh tế thị trường, tư duy quản trị và chuỗi giá trị đã giúp đội ngũ cán bộ HTX đổi mới nhận thức, nâng cao năng lực điều hành, từng bước chuyển sang mô hình HTX chuyên nghiệp, chủ động tìm kiếm thị trường và cơ hội đầu tư.
Nhờ định hướng đúng và sự vào cuộc đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở, nhiều HTX ở Nam Định đã có bước phát triển rõ rệt cả về quy mô, chất lượng hoạt động và hiệu quả kinh tế. Nhiều mô hình HTX không chỉ tạo thu nhập ổn định cho thành viên mà còn trở thành "đầu tàu" trong xây dựng vùng nguyên liệu nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm địa phương.
Trong thời gian tới, các HTX ở Nam Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị, phát triển các sản phẩm OCOP, đầu tư vào công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp xanh. Từ đó, không chỉ góp phần nâng cao đời sống cho các thành viên, mà còn là lực lượng nòng cốt trong việc nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn, hiện thực hóa các tiêu chí của NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Nam Định triển khai thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật năm 2025
Kinhtedothi - UBND tỉnh Nam Định vừa ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND về triển khai thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật (NKT) năm 2025.

Nam Định đôn đốc tiến độ loạt dự án khu công nghiệp trọng điểm
Kinhtedothi - Chiều 17/4, UBND tỉnh Nam Định tổ chức họp kiểm điểm tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại 4 khu công nghiệp trọng điểm: Trung Thành, Hải Long (VSIP Nam Định) giai đoạn 1, Xuân Kiên giai đoạn 1 và Minh Châu giai đoạn 1.

Nam Định khai mạc Hội chợ công nghệ và thiết bị năm 2025
Kinhtedothi - Chiều 18/4, tại Trung tâm Văn hóa thanh, thiếu niên tỉnh Nam Định, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức khai mạc Hội chợ công nghệ và thiết bị, hoạt động trình diễn, triển lãm khoa học và công nghệ năm 2025.