70 năm giải phóng Thủ đô

Nam Định: Siết chặt công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2024

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỉnh Nam Định đã và đang triển khai thự hiện nhiều giải pháp quản lý, tổ chức các lễ hội với phương châm trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo đúng quy định, nghi lễ truyền thống, phong tục, tập quán địa phương,

Hơn 300 lễ hội truyền thống

Thông tin từ UBND tỉnh Nam Định, hiện toàn tỉnh Nam Định có hơn 300 lễ hội truyền thống. Trong số này có 100 lễ hội được tổ chức từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch. Nhiều lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương tham dự.

Toàn tỉnh Nam Định có hơn 300 lễ hội truyền thống.
Toàn tỉnh Nam Định có hơn 300 lễ hội truyền thống.

Đến với Nam Định, người dân và du khách có dịp tham quan các đình, đền, chùa, miếu, phủ, hòa mình vào không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống, cầu may mắn, bình an và hạnh phúc cho năm mới.

Trong đó, Lễ hội Khai ấn Đền Trần, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) diễn ra từ ngày 12 đến 16 tháng Giêng hàng năm là một trong những lễ hội lớn của tỉnh. Tham dự lễ hội, người dân và du khách có thể tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử Vương triều Trần, chiêm bái các công trình kiến trúc khu di tích lịch sử - văn hóa: Đền Thiên Trường, Đền Cố Trạch, Đền Trùng Hoa và tham gia các nghi thức, nghi lễ: dâng hương, rước kiệu Ngọc Lộ, rước Nước, tế Cá…

Lễ khai ấn Đền Trần được tổ chức đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Ảnh: Duy Anh
Lễ khai ấn Đền Trần được tổ chức đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Ảnh: Duy Anh

Tại lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái (huyện Vụ Bản) và lễ hội Chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang (huyện Nam Trực), những phong tục tập quán, nét đẹp văn hoá làng được gìn giữ và phát huy thông qua các loại hình dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian như: hát chèo, hát chầu văn, võ vật, đánh cờ người, múa lân - sư - rồng… Các hoạt động văn hoá, thể thao truyền thống được tổ chức vui tươi, góp phần quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh Nam Định thân thiện, mến khách đến với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế.

Trong không gian các hội chợ Viềng Xuân (mùng 7 và mùng 8 tháng Giêng) gắn với các di tích Chùa Đại Bi, Phủ Dầy, các địa phương chú trọng giới thiệu các sản vật nông nghiệp đặc thù, sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống mang ý nghĩa “mua may, bán rủi” đầu năm như: nông cụ, hoa, cây cảnh, cây giống, mây tre nứa, gốm sứ, đồ thờ tự... 

Siết chặt quản lý, tổ chức lễ hội bài bản

Để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tín ngưỡng cũng như sự an toàn của người dân, UBND tỉnh Nam Định sớm ban hành kế hoạch, hướng dẫn công tác quản lý và tổ chức lễ hội.

 

Nam Định là địa phương có số lượng di tích, lễ hội lớn trên cả nước, với hơn 300 di tích, hơn 300 lễ hội truyền thống. Lượng khách thập phương trong những ngày đầu Xuân Giáp Thìn 2024 tăng gấp nhiều lần so với mọi năm nên công tác tổ chức được tỉnh Nam Định siết chặt, cũng như kịp thời chấn chỉnh những tồn tại trước đó.

Theo đó, Nam Định chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện nếp sống văn minh trong các lễ hội; nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân và du khách khi tham gia lễ hội và các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng tại các cơ sở thờ tự, các điểm di tích, danh thắng.

Song song đó, các địa phương trong tỉnh tăng cường công tác bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Nhân rộng các mô hình hay trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn tỉnh. Xây dựng quy hoạch phân khu di tích và khu vực tổ chức lễ hội; sắp xếp hàng quán dịch vụ, nơi trông giữ phương tiện giao thông hợp lý, theo quy định của pháp luật.

Tỉnh Nam Định huy động hơn 2.000 nhân viên an ninh thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự Lễ hội Khai ấn đền Trần năm 2024.
Tỉnh Nam Định huy động hơn 2.000 nhân viên an ninh thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự Lễ hội Khai ấn đền Trần năm 2024.

Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động lễ hội và dịch vụ văn hoá trong các lễ hội, để các lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, văn minh.

Đối với lễ hội Khai ấn đền Trần năm 2024, để đảm bảo an ninh, an toàn cho lễ hội, nhất là trong đêm diễn ra nghi lễ khai ấn, tỉnh Nam Định huy động hơn 2.000 nhân viên an ninh thực hiện công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Trong thời gian diễn ra nghi lễ Dâng hương và nghi lễ Khai ấn (tối và đêm 14 tháng Giêng), Ban tổ chức thực hiện đóng cửa đền Thiên Trường nhằm đảm bảo sự tôn nghiêm.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Nam Định Nguyễn Thị Như cho biết: chính quyền thành phố lập 2 tổ công tác liên ngành để kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm trong lễ hội.

Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định cũng yêu cầu Thành ủy Nam Định chỉ đạo ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi, hiện tượng phản cảm, không đảm bảo nếp sống văn minh lễ hội; quản lý chặt chẽ việc phát “ấn lộc” cho du khách theo đúng quy định; kiểm soát, chấn chỉnh các dịch vụ trông giữ phương tiện đảm bảo đúng giá vé niêm yết; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy, nổ, vệ sinh môi trường trước, trong và sau Lễ khai ấn.