Wednesday, 09:35 05/08/2015
Năm kỷ lục của thời tiết cực đoan
Kinhtedothi - Dù chỉ mới bước sang những ngày đầu tháng 8, nhưng người dân các tỉnh phía Bắc đã hứng chịu hàng loạt hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra. Trận mưa lũ lịch sử hoành hành ở Quảng Ninh là một ví dụ.
Quá nhiều hiện tượng bất thường
Theo số liệu quan trắc từ các trạm khí tượng, lượng mưa của cả đợt tính từ ngày 26/7 - 3/8 tại Cửa Ông (Quảng Ninh) khoảng 1.500mm, chưa từng xảy ra kể từ năm 1960 trở lại đây. Theo các chuyên gia khí tượng, tháng 7, tháng 8 là thời điểm của mùa mưa ở khu vực miền Bắc. Các trận mưa lớn kéo dài xảy ra trong những tháng này là bình thường. Tuy nhiên, đợt mưa lũ kinh hoàng hoành hành tại Quảng Ninh trong những ngày qua là bất thường..
Ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, mặc dù mưa lũ đúng quy luật nhưng hiện tượng mưa lớn cục bộ xảy ra ở Quảng Ninh trong phạm vi hẹp là điều khá bất thường. Trong năm nay, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan đã xảy ra như mùa hè nắng nóng gay gắt, kéo dài nhiều ngày, được coi là kỷ lục trong 40 năm qua; hạn hán khắc nghiệt ở Ninh Thuận; rét kỷ lục 12,7oC tại Sa Pa giữa mùa hè hôm 6/7; siêu dông xảy ra trên địa bàn Hà Nội hôm 13/6, lớn nhất trong vòng 30 năm qua.
Tác động của biến đổi khí hậu
Theo các chuyên gia khí tượng, hàng loạt hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra trong năm nay khi ngày càng gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, diễn biến khó lường. Để có thể lý giải về sự bất thường của thời tiết, cần có những nghiên cứu cụ thể. Tuy nhiên, mưa lịch sử có thể liên quan đến những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Theo ông Lưu Minh Hải - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Lào Cai, nắng nóng bất thường, mưa lịch sử có thể liên quan đến hiện tượng El Nino đang xảy ra trên toàn cầu cũng như những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt.
Trong những năm qua, BĐKH đã có những tác động trực tiếp đến Việt Nam. Các công trình nghiên cứu khẳng định, BĐKH không còn là dự báo mà đang xảy ra, trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thiên tai, đặc biệt, lũ lụt, hạn hán đã có những tác động mạnh, gây thiệt hại lớn ở nhiều địa phương.
Đô thị hóa phá vỡ quy hoạch
Trong những năm qua, ở các tỉnh đồng bằng như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội… đang có tốc độ phát triển đô thị mạnh mẽ. Các chuyên gia cho rằng, đô thị hóa đã phá vỡ quy hoạch và làm xáo trộn hệ sinh thái, khai thác khoáng sản, hệ thống tiêu thoát thủy lợi xuống cấp, không đồng bộ. Trận mưa lũ lịch sử xảy ra ở Quảng Ninh là do thiên tai nhưng cũng có một phần do con người.
Thông thường người dân quan niệm, chỉ có bão mới gây nguy hiểm cho tính mạng con người và tài sản. Nhưng thực tế cho thấy, những thiệt hại khi bão đổ bộ những năm gần đây rất ít. Tuy nhiên, sau đó, những thiệt hại như chết người, sạt lở đất đá, vùi lấp nhà cửa, hoa màu, đường sá… chủ yếu diễn ra trong các đợt mưa hoàn lưu sau bão. Để chủ động phòng tránh các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, người dân phải thường xuyên theo dõi các bản tin cảnh báo và dự báo thời tiết, bởi những hiện tượng thời tiết nguy hiểm thường xuất hiện rất nhanh, nếu không chủ động theo dõi và phòng tránh thì mức độ thiệt hại rất lớn.
Nhiều tuyến đường bị sạt lở đã thông xe trở lại
Liên quan đến việc khắc phục hậu quả mưa lũ, tính đến ngày hôm qua (4/8), hầu hết các khu vực nước đã rút nên số lượng nhà bị ngập nước đã giảm đáng kể, nhiều tuyến đường giao thông bị ách tắc đã được thông xe trở lại. Hiện các địa phương vẫn đang tích cực chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, chỉ tính từ 1 - 4/8, mưa lũ đã làm 11 người chết (tăng 5 người so với báo cáo ngày 3/8), 3 người mất tích và 11 người bị thương. Về nhà cửa, theo thống kê của các địa phương đã có 122 ngôi nhà bị sập, đổ và trên 3.600 ngôi nhà bị ngập nước. Mưa lũ cũng đã gây úng ngập, thiệt hại hơn 11.800ha lúa và hoa màu. Đáng chú ý, nhiều công trình đê điều, thủy lợi đã bị sạt lở, hư hại, tập trung tại các tuyến đê hữu Thương, tả Cầu (Bắc Giang) và hữu Cầu (Bắc Ninh). Ước tính có tới hơn 11.200m đê bị hư hại và 140 công trình thủy lợi nhỏ bị hư hỏng.
Trong ngày hôm qua, các địa phương chịu thiệt hại của mưa lũ vẫn tiếp tục khẩn trương phục hậu quả, tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình có thiệt hại về người, tài sản. Đến nay, hầu hết các khu vực nước đã rút nên số lượng nhà bị ngập nước đã giảm đáng kể. Hiện chỉ còn một số khu vực thấp trũng cục bộ bị ngập nước (Lạng Sơn có 17 nhà, Quảng Ninh 94 nhà). Chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng để giúp người dân dọn dẹp vệ sinh để sớm ổn định đời sống, sản xuất của Nhân dân. Đặc biệt, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh đã chỉ đạo ngành giao thông và các địa phương khắc phục các sự cố giao thông. Đến chiều 4/8, các quốc lộ, tỉnh lộ đã cơ bản thông xe, chỉ còn Quốc lộ 12 đoạn qua tỉnh Điện Biên tại K121+350 – K122+800 bị sụt, hiện đang tiến hành làm đường tránh, dự kiến đến ngày 10/8 sẽ thông xe bước 1. Bên cạnh đó, các địa phương đã triển khai các biện pháp xử lý bước đầu các sự cố về đê điều. Trong ngày 4/8, Tổng cục Thủy lợi tiếp tục cử các đoàn kiểm tra tình hình đê điều tại Bắc Ninh và Bắc Giang.
![]() Nhiều nơi ở Quảng Ninh bị ngập lụt nặng, gây thiệt hại lớn.
|
Đợt mưa vừa xảy ra ở Quảng Ninh có mối liên hệ với hệ thống gây mưa tại Ấn Độ, Myanmar... nhưng tâm mưa ở miền Bắc chập chờn. Có lúc, mưa xảy ra ở Hạ Long, Cẩm Phả, lúc lan sang Cửa Ông, Uông Bí, lúc lan xuống phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, rồi có lúc lại tập trung ở Điện Biên, Sơn La.
Ông Lê Thanh Hải Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia
|
Mới đây, tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá hậu quả trận mưa lũ vừa qua đã cho thấy những nhược điểm trong quy hoạch các tuyến dân cư tại đô thị Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh. Với chức năng của mình, Bộ Xây dựng sẽ hỗ trợ tư vấn để Quảng Ninh làm tốt nhất công tác quy hoạch điểm dân cư an toàn. Đối với những điểm bị thiệt hại nặng, Bộ Xây dựng sẽ cử cán bộ có chuyên môn phối hợp với Sở Xây dựng Quảng Ninh hỗ trợ sớm xây dựng các điểm tái định cư phù hợp. |